Từ ngày 1-1-2018, cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nữ sẽ được tính theo công thức 15 năm đầu đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tính bằng 45%, mỗi năm đóng BHXH tiếp theo được tính thêm 2%, thay vì 3% trước năm 2018. Theo đó, để đạt được tỉ lệ hưởng lương hưu là 75%, lao động nữ phải có 30 năm đóng BHXH thay vì 25 năm so với trước năm 2018. Với cách tính này thì hàng ngàn lao động nữ sẽ bị giảm 2%-10% lương hưu.
Lao động nữ rất tâm tư…
Đại diện cho khoảng 2,5 triệu lao động đang làm việc trong ngành dệt may cả nước, trong đó lao động nữ chiếm 70%, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, chia sẻ lộ trình áp dụng cách tính lương hưu mới đang cận kề khiến những người làm công tác công đoàn rất tâm tư, vì sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của công nhân lao động nữ. Bởi tuổi bình quân của lao động nữ trong ngành dệt may ngày càng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chị em công nhân sau khi nghỉ hưu, vốn đồng lương hiện tại của họ chưa đáp ứng mức sống tối thiểu. Chưa kể, ở đây còn ảnh hưởng đến vấn đề bình đẳng giới.
Theo đó, để bảo vệ quyền lợi cho lao động ngành, đặc biệt là lao động nữ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cách tính lương hưu mới này, công đoàn ngành dệt may Việt Nam đã kiến nghị nhiều lần với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH xem xét cách tính lương hưu mới theo lộ trình có lợi cho lao động nữ. Cùng đó, công đoàn ngành đã nắm tâm tư, nguyện vọng của anh chị em công nhân lao động trong ngành dệt may và giải thích thấu đáo các vấn đề liên quan đến chính sách này.
Hiện mức lương tối thiểu chưa đáp ứng mức sống tối thiểu, với cách tính lương hưu mới sẽ khiến lao động nữ bị ảnh hưởng đến cuộc sống khi về hưu. Ảnh: P.ĐIỀN
“Đây là thời điểm anh chị em công nhân lao động ngành dệt may đang chạy nước rút cuối năm để bình bầu năng suất lao động. Nhìn chung, tình hình sản xuất toàn ngành vẫn chưa có nhiều biến động, anh chị em công nhân tập trung cao độ cho các đơn hàng cuối năm. Tuy nhiên, với những người làm công tác công đoàn ngành rất băn khoăn với cách tính lương hưu khiến sau một đêm người lao động nữ mất 10% lương hưu” - bà Thủy giãi bày.
Trong khi đó, chủ tịch công đoàn một công ty vốn đầu tư nước ngoài chuyên về giày da sử dụng hàng chục ngàn lao động nữ tại TP.HCM, thông tin đa phần anh chị em công nhân quan tâm nhiều hơn đến chính sách BHXH một lần hơn chính sách lương hưu. Vị này giải thích do đây là công việc đặc thù, đến độ tuổi 40 chị em không thể duy trì cường độ làm việc cao, ngồi may liên tục chờ đến tuổi hưu nên đa phần chị em có thời gian làm việc 20 năm đều làm chính sách để hưởng một lần rồi tính sinh kế làm ăn khác chứ không đợi đến đúng độ tuổi, đúng lộ trình để hưởng lương hưu.
Không quá lớn để phải sửa Luật BHXH
Ở góc độ đại diện quyền lợi cho người lao động, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho biết trước đó Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tạm dừng thực hiện cách tính lương hưu mới đối với lao động nữ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.
Tuy nhiên, Quốc hội đánh giá số người bị tác động bởi cách tính mới này khoảng 50.000 người, trong đó có 30.000 lao động có thời gian đóng BHXH dưới 30 năm, đặc biệt có khoảng 3.000 bị ảnh hưởng trực tiếp lương giảm 6%-10% do cách tính mới này, còn lại bị ảnh hưởng 2%-4%. Như vậy, với con số 3.000 lao động bị ảnh hưởng không quá lớn để tiến hành sửa Luật BHXH (gồm khoản 2 Điều 56 về cách tính lương hưu mới và Điều 77 về chế độ BHXH một lần).
Theo ông Chính, phương án trước mắt để tháo gỡ vướng mắc cho những trường hợp lao động bị thiệt thòi khi áp dụng cách tính mới, Chính phủ sẽ tính toán bù đắp phần lương hưu bị tính giảm cho khoảng 3.000 người bị giảm 6%-10%. Ngoài ra, Chính phủ sẽ công bố cách điều chỉnh này đến người lao động biết. Cùng đó, LĐLĐ Việt Nam sẽ giải thích thêm cho người lao động về hướng tháo gỡ này.
Về băn khoăn của người lao động, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội về vấn đề này và kiến nghị thực hiện có lộ trình đảm bảo lao động nữ không bị thiệt thòi. Nếu đến ngày 1-1-2018 mà vẫn chưa có ý kiến của Quốc hội và hướng dẫn mới của Chính phủ thì vẫn áp dụng thực hiện. Ngược lại, nếu Quốc hội có ý kiến thì Chính phủ sẽ có phương án để tháo gỡ chính sách này đối với cách tính lương hưu mới.
Chờ ý kiến chính thức từ Quốc hội Đại diện LĐLĐ TP.HCM cho biết trước đó UBND TP.HCM đã có kiến nghị việc tăng thời gian đóng BHXH bắt buộc chỉ nên thực hiện khi tuổi lao động đã được kéo dài hoặc chỉ áp dụng đối với những trường hợp người lao động tham gia lực lượng lao động và đóng BHXH bắt buộc từ ngày Luật BHXH có hiệu lực. Và quy định lộ trình tăng thời gian đóng BHXH bắt buộc đối với nữ, không tăng ngay từ 25 năm lên 30 năm... Theo đó, cơ quan này không có ý kiến thêm, vì cũng đang chờ ý kiến của Quốc hội về vấn đề này. |