Theo đó, cơ quan này cho rằng quy định từ ngày 1-1-2018, lao động nữ phải đóng thêm năm năm mới được hưởng mức lương hưu tối đa 75% gây ra thiệt thòi cho lao động nữ. Cụ thể, sẽ có nhiều lao động bị giảm 10% mức hưởng lương hưu hằng tháng.
Vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm để đảm bảo quyền và lợi ích của lao động nữ. Trong trường hợp chưa sửa đổi các quy định có liên quan, cơ quan này đề nghị giữ nguyên quy định hưởng lương hưu hiện hành.
Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm để đảm bảo quyền và lợi ích của lao động nữ. Ảnh: Internet
Trước đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết tại cuộc họp với Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) bàn các phương án xử lý chênh lệch về cách tính lương hưu giữa lao động nam và lao động nữ, đơn vị này đã đề xuất phương án áp dụng lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu đối với lao động nữ trong năm năm.
Cụ thể, 15 năm đầu đóng BHXH tính bằng 45%. Sau đó nghỉ hưu năm 2018: Tám năm tiếp theo, mỗi năm tính thêm 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%.
Nghỉ hưu năm 2019: Sáu năm tiếp theo, mỗi năm tính thêm 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%.
Nghỉ hưu năm 2020: Bốn năm tiếp theo, mỗi năm cộng 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%.
Nghỉ hưu năm 2021: Hai năm tiếp theo, mỗi năm cộng 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%.
Nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi: Các năm tiếp theo mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%.
Theo phương án này, để đạt được tỉ lệ hưởng lương hưu ở mức tối đa là 75% thì lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 phải có 26 năm đóng BHXH; nghỉ hưu trong năm 2019 phải có 27 năm; trong năm 2020 là 28 năm; năm 2021 là 29 năm; từ năm 2022 trở đi là 30 năm.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết đã trình Chính Phủ phương án dừng việc thực hiện khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014. Hôm qua, BHXH Việt Nam cũng cho biết đã trình phương án điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ theo lộ trình trong năm năm.