Những ngày này dư luận, đặc biệt là lao động nữ rất quan tâm đến cách tính lương hưu mới. Theo lộ trình, còn hai tháng nữa (ngày 1-1-2018) cách tính lương hưu mới sẽ có hiệu lực. Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất là lao động nữ bởi sau một đêm lao động nữ mất đi 10% lương hưu khi thời điểm nghỉ hưu của họ rơi vào tháng 12-2017 (trùng với tháng sinh nhật).
Ngủ một đêm mất 10% lương hưu
Nếu áp dụng theo quy định, thời điểm nghỉ hưu là ngày 1 của tháng liền kề sau tháng người đó đủ tuổi nghỉ hưu (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) thì cách tính chế độ nghỉ hưu của họ lệch sang tháng 1-2018. Vậy cách tính chế độ hưu của họ sẽ được tính theo năm 2017 hay năm 2018, vì nếu áp dụng theo cách tính từ ngày 1-1-2018, công thức tính tỉ lệ lương hưu sẽ có thay đổi lớn.
Chẳng hạn một lao động nữ có 25 năm đóng BHXH sẽ được hưởng tỉ lệ lương hưu là 75% nếu nghỉ hưu vào năm 2017, còn nếu người này nghỉ hưu vào năm 2018 thì tỉ lệ hưởng lương hưu chỉ còn 65%. Vì từ năm 2018, mỗi năm đóng BHXH vượt 15 năm chỉ tính bằng 2% thay vì 3% trước đây!
Dệt may và cao su là hai ngành lao động nặng nhọc, độc hại sử dụng nhiều lao động nữ, nếu áp dụng theo lộ trình này, chục ngàn lao động sẽ bị ảnh hưởng đến đời sống an sinh khi về hưu. Theo đó, ông Phan Mạnh Hùng, Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam và bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam, cho biết công đoàn ngành đã tập hợp ý kiến người lao động, gửi văn bản có ý kiến Tổng LĐLĐ Việt Nam nên có lộ trình giảm phù hợp để lao động nữ không bị áp lực.
Lao động nữ sẽ chịu nhiều thiệt thòi nếu áp dụng cách tính lương hưu từ 1-1-2018. Ảnh: HOÀNG GIANG
“Sau một đêm mà mất đi 10% thì thiệt thòi quá lớn, thiệt thòi này không chỉ cho đa phần chị em dệt may mà các ngành khác cũng như vậy” - bà Thủy xót xa.
Bà Thủy cho rằng cách tính “sốc” này ở góc độ bình đẳng giới bị tác động rất lớn vì khi xã hội đang hướng tới việc thực hiện Luật Bình đẳng giới nhưng với điều này không thể chấp nhận được. Bởi ở đây lại có sự phân biệt, trong khi lao động nam có lộ trình điều chỉnh, ngược lại lao động nữ lại giảm đột ngột.
Bà Thủy cũng cảnh báo trước đó, thời điểm áp dụng Điều 60 Luật BHXH (hưởng trợ cấp BHXH một lần), ngành dệt may đã có làn sóng nghỉ việc lớn, vì họ cảm thấy bị thiệt thòi nên nghỉ trước, thay vì chờ đến năm 2018 mới nghỉ. Đa phần chị em nghỉ để hưởng trợ cấp một lần khiến thời điểm đó các doanh nghiệp có một phen lao đao.
Tại sao chúng ta hạ tỉ lệ được hưởng lương hưu của phụ nữ từ 3% xuống 2% từ 1-1-2018? Luật BHXH năm 2006 quy định sau năm 2016 trở đi thì nam là 2%, nữ thì được ưu tiên 3%. Đến Luật BHXH năm 2014 chúng ta muốn bình đẳng giới nên quy định nam và nữ đều là 2%. Vì lẽ đó nên từ 1-1-2018 nếu phụ nữ về hưu thì bị giảm trừ.
Đến ngày 1-1-2018 chúng ta có khoảng 50.000 phụ nữ dự kiến về hưu, trong đó có 21.000 phụ nữ có thời gian đóng BHXH từ 15 năm đến dưới 30 năm. Nếu chúng ta kéo dài lộ trình cho phụ nữ thêm năm năm để hưởng đúng theo 3%, không phải là 2% trước đây thì tác động đến quỹ BHXH không lớn. Quan điểm của ủy ban chúng tôi là ủng hộ cho kéo dài thêm mấy năm tính theo công thức cũ để phụ nữ đỡ phải thiệt thòi so với nam giới. Đề nghị QH ủng hộ, Thường vụ QH có ý kiến để chúng ta cho tính công thức lương hưu như cũ. Ông BÙI SỸ LỢI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về CHÂN LUẬN ghi |
Áp dụng lộ trình giảm từ từ như lao động nam
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính đánh giá nếu giảm ngay 2% đầu năm sau sẽ gây sốc cho lao động nữ. Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang soạn văn bản trình Chủ tịch Quốc hội (QH), Ủy ban Thường vụ QH và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, theo hướng ngay trong kỳ họp này QH có nghị quyết tạm dừng thực hiện khoản 2 Điều 56 Luật BHXH trước ngày 1-1-2018. Sau đó, chỉ đạo các cơ quan Chính phủ sửa theo hướng cân bằng quyền lợi của lao động nam và lao động nữ như nhau.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, chuyên gia cấp cao lĩnh vực lao động, tiền lương, BHXH, thông tin: Ban đầu Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án là giảm từ từ theo lộ trình năm năm và phương án 2 giảm ngay 2% đối với lao động nữ. Tuy nhiên, QH đã chọn phương án giảm ngay 2% khiến thời điểm cận kề thực hiện người lao động cảm thấy bị sốc.
Về lộ trình thực hiện, ông Huân cho rằng vấn đề này đã chuẩn bị cả năm, sắp tới sẽ thực hiện, lẽ ra khi sửa Luật BHXH năm 2014 cần phải tính toán đến tác động khi thực hiện. “Những người đủ 30 năm tham gia BHXH thì bị ảnh hưởng không nhiều nhưng dưới 30 năm bị giảm rất nhiều. Nên chăng có lộ trình giảm từ từ để người lao động nữ chấp nhận được” - ông Huân kiến nghị.
Ông Huân hiến kế ngay từ bây giờ cần đề xuất với Chính phủ, QH theo phương án giảm từ từ. Theo đó, lộ trình điều chỉnh cách tính 3% đối với lao động nữ trong năm năm, chia nhiều mức (2,8%, 2,6%... 2%) giảm dần đến khi còn 2%. “Chính sách bảo hiểm phải tôn trọng quá khứ, hiện tại và tương lai để người lao động yên tâm cống hiến làm việc. Nên lưu ý người mới vào làm sẽ không bị ảnh hưởng nhiều nhưng người làm lâu năm cần có lộ trình điều chỉnh dần chứ không phá bỏ ngay” - ông Huân cảnh báo.
Hàng loạt cơ quan đã kiến nghị Các cơ quan chuyên môn, bộ, ngành như BHXH TP.HCM, BHXH Việt Nam, Vụ BHXH Bộ LĐ-TB&XH, UBND TP.HCM… đã có văn bản kiến nghị nên có lộ trình giảm tỉ lệ 3% lương hưu đối với lao động nữ. Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM trước đó, các ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam và ông Trần Hải Nam, Vụ phó Vụ BHXH Bộ LĐ-TB&XH, thông tin: Hai cơ quan này đã tiếp nhận nhiều ý kiến phản ánh và đề xuất hướng tháo gỡ từ BHXH các địa phương đối với người nghỉ hưu trong tháng 12-2017. Theo đó, BHXH Việt Nam đang cùng Bộ LĐ-TB&XH gấp rút rà soát những vướng mắc này để hướng dẫn cho hệ thống BHXH cả nước có căn cứ thực hiện. Riêng UBND TP.HCM cũng có văn bản kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam điều chỉnh chính sách về BHXH đồng bộ với chính sách về lao động trong Bộ luật Lao động. Theo đó, UBND TP kiến nghị việc tăng thời gian đóng BHXH bắt buộc chỉ nên thực hiện khi tuổi lao động đã được kéo dài, hoặc chỉ áp dụng đối với những trường hợp người lao động tham gia lực lượng lao động và đóng BHXH bắt buộc từ ngày Luật BHXH có hiệu lực; quy định lộ trình tăng thời gian đóng BHXH bắt buộc đối với nữ, không tăng ngay từ 25 năm lên 30 năm... Thay đổi trong cách tính lương hưu Tính lương hưu theo năm 2017 (trước ngày 1-1-2018), mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2018 (theo Điều 56 Luật BHXH), mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với số năm đóng BHXH lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2% tính cả nam lẫn nữ, thay vì nữ tính thêm 3% như trước đây, mức tối đa bằng 75%. Đồng thời mức lương hưu hằng tháng của người lao động nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Ngược lại, từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH, cứ mỗi năm đóng tính thêm 2%. |