Đến sáng 26-12, tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đơn vị này vẫn cho biết: “Cơ quan BHXH chưa nhận được thông báo nào về việc thay đổi cách tính lương hưu của lao động nữ. Vì vậy, đối với lao động về hưu từ ngày 1-1-2018 sẽ áp dụng cách tính như quy định của Luật BHXH”.
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1-1-2018, để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% thì lao động nữ phải đóng BHXH đủ 30 năm (thay vì chỉ 25 năm như hiện nay). Cụ thể, từ năm đóng BHXH thứ 16 trở đi, mỗi năm chỉ được cộng thêm 2% lương hưu thay vì 3% như hiện nay. Quy định này được thực thi ngay trong khi đối với nam giới, việc nâng số năm đóng BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa 75% có lộ trình năm năm. Trong bối cảnh Bộ luật Lao động chưa điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu thì việc thực hiện quy định nêu trên là một bất hợp lý và không công bằng đối với lao động nữ.
Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, trả lời báo chí, bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết Bộ đã có báo cáo Thủ tướng và Chính phủ về bất hợp lý này và nêu phương án điều chỉnh theo hướng có lộ trình đối với nữ như nam giới. BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Chính phủ và Quốc hội đề xuất tạm dừng hoặc lùi thời gian thực hiện Điều 56 Luật BHXH năm 2014.
Thế nhưng đến nay mọi sự vẫn bình chân. Và nếu không có gì thay đổi, đến ngày 1-1-2018 hàng ngàn lao động nữ nghỉ hưu từ thời điểm này sẽ bị giảm tiền lương.
Một đời lao động, cống hiến, khi về hưu lao động nữ cũng chỉ muốn được đối xử công bằng, hợp lý. Một đồng cũng là tiền lương. Vậy thì, nếu đã nhìn thấy sự bất hợp lý trong chính sách lương hưu đối với lao động nữ, sao không có động thái điều chỉnh hợp lý để tránh những rắc rồi về sau?
Lao động nữ về hưu phải đợi đến bao giờ?