Còn nhớ sáng 2-11, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận những bất cập tại khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014. Ông Dung cũng tự nhận chính bản thân phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về bình đẳng giới (tháng 9-2017) liên quan đến vấn đề trên.
Còn vài giờ nữa hàng ngàn lao động sẽ đối mặt với việc giảm lương hưu. Ảnh: V.LONG
Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ LĐ-TB&XH là đơn vị đề xuất Luật BHXH vì vậy sẽ có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ tính toán các giải pháp về việc dừng thực hiện khoản 2 Điều 56 Luật BHXH. Đồng thời, ông khẳng định đã ký văn bản trình Chính phủ các phương án để xử lý vấn đề này. Trong các phương án trình Chính phủ có phương án tạm thời chưa thực hiện và kéo dài tới năm 2022.
Tuy nhiên, sau đó Văn phòng Chính phủ có văn bản yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH bổ sung thêm phương án. Tuy nhiên, ngày 22-12, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết đơn vị đang hoàn thiện các phương án trình Chính phủ
Đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tại hội nghị cung cấp cho báo chí, ngày 30-10, đơn vị này cũng thừa nhận đã nhìn thấy bất cập từ giữa tháng 2-2017 và đang phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý.
Cả hai lời hứa trên đã làm nguôi ngoai lo sợ “sau một đêm” lao động nữ mất 10% lương hưu. Nhưng cách đây năm ngày, ông Đỗ Ngọc Thọ Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), khẳng định chưa nhận được thông báo nào về việc thay đổi cách tính lương hưu của lao động nữ. Nên BHXH Việt Nam sẽ thực hiện theo lộ trình.
Như vậy, những phát ngôn trên đến giờ phút này cũng chỉ là biện pháp xoa dịu dư luận, bởi những bất cập vẫn chưa được giải quyết. Trong khi chỉ còn ít giờ đồng hồ nữa thì hàng ngàn lao động nữ về hưu từ ngày 1-1-2018 sẽ bị giảm 2%-10% lương hưu. Và giờ đây, những người phụ nữ nghèo đang 'đếm ngược thời gian' nhưng không phải chào đón năm mới mà họ chào đón một phép màu từ cơ quan quản lý nhà nước.
Nhớ lại câu nói của ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, tại cuộc trao đổi với báo chí vào tháng 10, vấn đề lương hưu nữ đã được đặt ra từ tháng 2 và 3-2017 nhưng đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng: “Tôi đã nói rất nhiều lần và hiện vẫn chưa có tín hiệu tích cực nên hãy chờ đón, chuẩn bị tinh thần để chịu những chỉ trích của người lao động”.
Hàng ngàn người bị giảm lương hưu Theo đại diện BHXH Việt Nam, cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nữ khi về hưu từ 1-1-2018 sẽ được tính theo công thức: 15 năm đầu đóng bảo hiểm xã hội tính bằng 45%, mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tiếp theo được tính thêm 2% (trước năm 2017 là 3%). Như vậy, để đạt được tỉ lệ hưởng lương hưu là 75%, lao động nữ phải có 30 năm đóng bảo hiểm xã hội thay vì 25 năm như trước năm 2018. Việc này cũng đồng nghĩa hàng ngàn lao động nữ sẽ bị giảm 2%-10% lương hưu. Cũng theo cơ quan này, năm 2018 có khoảng 49.700 lao động nữ nghỉ hưu đúng tuổi 55 (chưa tính số lao động nghỉ hưu trước tuổi) và cách tính lương hưu mới sẽ tác động đến khoảng 21.000 lao động nữ (chiếm 43%). Trong đó, có 3.000 người bị tác động 6%-10%, còn lại chịu tác động 2%-4%. Vì vậy, BHXH Việt Nam cho rằng đây là con số không lớn. |