Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ LĐ-TB&XH cân nhắc thêm phương án cho phép thay đổi dần trong 5 năm bắt đầu từ ngày 1-1-2018 như công thức tính lương hưu đối với nam thì vừa đảm bảo thực thi pháp luật, vừa đáp ứng các ưu điểm khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết sau khi Chính phủ cho ý kiến mới trình Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì mới thực hiện. Ảnh: VIẾT LONG
Trước đó, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết ngày 1-11, đơn vị đã báo cáo Chính phủ về một số bất cập trong khoản 2 điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất phương án hoãn lộ trình thực hiện khoản 2 Điều 56 đến năm 2022.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay nội dung này đã được chính bản thân ông phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về bình đẳng giới (tháng 9-2017), phiên họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội…
“Từ đó đến nay, Bộ đã chỉ đạo đánh giá tác động, thống kê để xem cái gì được, cái gì chưa được. Mục tiêu là tiến tới cái tốt cho phụ nữ, tuy nhiên vừa qua chưa đạt được mong muốn vì chưa kéo dài được tuổi lao động của nữ, mặc dù chưa giải quyết được nhưng chúng tôi sẽ không để cho phụ nữ thiệt thòi” - Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.
Theo ông Dung, số liệu thống kê, tính đến ngày 1-1-2018 sẽ có khoảng 110.000 lao động nghỉ hưu, trong đó có khoảng 50.000 lao động nữ và 60.000 lao động nam. Vì vậy trong 50.000 lao động nữ nghỉ hưu sẽ có khoảng 21.000 lao động nữ bị thiệt, trong số đó có khoảng 4.000 lao động nữ thiệt nhiều nhất khoảng 5%-10% lương hưu.
Ông Dung cho hay sau khi Chính phủ cho ý kiến mới trình Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì mới thực hiện.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1-1-2018, sẽ bắt đầu áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỉ lệ % hưởng lương hưu. Cụ thể, lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho 15 năm đóng BHXH. Đối với lao động nam, để đạt được 45% mức bình quân tiền lương tháng hoặc thu nhập tháng đóng BHXH khi nghỉ hưu vào năm 2018 phải có 16 năm đóng BHXH; nghỉ hưu vào năm 2019 là 17 năm; nghỉ hưu vào năm 2020 là 18 năm... Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, cả lao động nam và nữ được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Như vậy, lao động nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75% (so với trước năm 2018 chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỉ lệ tối đa 75%); lao động nam nghỉ hưu năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ năm 2019 phải có đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải có đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỉ lệ tối đa là 75% (so với trước năm 2018 thì chỉ cần có đủ 30 năm đóng BHXH là được hưởng tỉ lệ tối đa 75%). |