Đặc biệt, nếu thực hiện theo đồ án này, thành phố (TP) sẽ phải phá bỏ tòa nhà Thượng thơ - một công trình mang đậm dấu ấn lịch sử có tuổi đời hơn cả trăm năm.
Sau hơn hai tuần triển lãm đồ án, nhiều ý kiến cho rằng công trình này đẹp nhưng nếu đặt ở đây sẽ phá hỏng cảnh quan ở khu vực trung tâm.
Đồ án thiết kế công trình mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND và UBND TP.HCM
Công bằng mà nói thì đây là một ý tưởng hay, các kiến trúc sư của Mỹ đã dự tính xây một tòa nhà cao sáu tầng với chiều cao phần nổi trên mặt đất là 30 m. Toàn bộ tòa nhà được phát triển theo phương ngang với hình ảnh là các cuốn sách chồng lên nhau, các lam che nắng ngang giống như các thếp giấy xếp lớp. Các kiến trúc sư xây dựng hình ảnh nàynhằm phản ánh triết lý của công trình là: thông tin, kiến thức, dòng chảy (con người, tài chính và hợp tác). Nó đúng là một công trình đẹp, hiện đại, hoành tránh, tân kỳ.
Nhưng điều đáng tiếc là công trình này nếu được đặt ở mảnh đất hẹp này hiện hữu thì trở nên rất khó coi. Trước hết, nó là một khối cực kỳ đồ sộ, cả diện tích khuôn viên chỉ có 18.088 m2 mà diện tích xây dựng chiếm bề mặt là 14.053 m2. Với mật độ xây dựng 78% thì đây có lẽ là công trình có mật độ xây dựng cao nhất ở trung tâm từ khoảng 10 năm trở lại đây.
Công trình này lại được kéo dài liên tục 156 m không có khoảng ngắt từ đường Pasteur đến đường Đồng Khởi, các đường lam che nắng chạy song song khiến cho phương vị ngang kéo dài quá mức trong hình ảnh thấu thị. Đây sẽ là công trình đơn lẻ có chiều dài liên tục dài nhất ở khu vực trung tâm TP cho đến lúc này.
Một công trình quá lớn, quá dài mà đặt vào một mảnh đất quá hẹp khiến cho người ta không nhận ra hình dáng của công trình. Để nhận biết vẻ đẹp của công trình trí tuệ này, người thưởng ngoạn cần phải có khoảng lùi tối thiểu là 500 m. Vậy bạn đứng ở đâu để nhìn công trình này? Dãy phố đối diện cách 25 m (tính cả vỉa hè), cách Công viên Bạch Tùng Diệp 60 m, do vậy mà khi chỉ nhìn được một góc của công trình, người dân sẽ liên tưởng đến hình ảnh gần gũi nhất mà họ thường gặp, chẳng hạn nhìn giống như một chiếc bánh xếp... Một tòa nhà để đời của cơ quan quyền lực nhưng lại được liên tưởng như thế thì quả thật không hay chút nào.
Cũng cần nói thêm, các công trình hoành tráng nhưng nếu không đặt đúng vị trí và không có tầm quan sát (view) thì giá trị của nó giảm đi, thậm chí là phản cảm. Trên thế giới có nhiều những công trình như thế và ở ngay thành phố này cũng không thiếu loại công trình như thế. Hơn thế nữa, cho dù công trìnhđã được khống chế chiều cao bằng tháp nhọn của tòa nhà “Dinh xã tây” (tức UBND TP hiện hữu) nhưng một bên là tòa nhà có hai tầng, còn một bên là một dãy sáu tầng thì sẽ tạo ra một tổ hợp bất đối xứng. Sau khi công trình này hoàn tất thì tòa nhà đẹp nhất thành phố trở nên nhỏ bé, lạc lõng và cô đơn khi bao vây xung quanh nó là những tòa nhà hiện đại, lừng lững và đổ bóng xuống nó như: Rex Hotel, Trung tâm thương mại Saigon Square, Vincom Center. Cố đưa con cá voi vào cái bình thủy tinh là điều tối kỵ trong thiết kế cảnh quan kiến trúc.
Điều cuối cùng mà chúng ta nên biết, trên diện tích 5,7 km2 (quận 1 và quận 3 ngày nay), người Pháp chủ trương thiết kế nên một “Paris nhỏ”. Họ chia Sài Gòn ra thành 80 ô phố theo hình bàn cờ, về cơ bản các công trình nằm trên các ô này được giữ cho đến năm 1990.
Đến nay, tất cả ô phố đều đã được cải tạo, làm mới. Chỉ còn duy nhất ô phố nằm gọn trong bốn con đường Lê Thánh Tôn, Pasteur, Lý Tự Trọng, Đồng Khởi là tương đối nguyên vẹn, không những thế các công trình trên nó có giá trị nữa. Một thành phố được xây dựng theo kiểu Pháp từ năm 1862, chả lẽ không nên giữ lấy một ô phố nào nguyên vẹn nữa sao?! “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”.