Tháo dỡ dinh Thượng thơ: Dễ mất lòng dân

Đó là ý kiến của TS-kiến trúc sư (KTS) Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM, về phương án mở rộng trụ sở UBND TP đang lấy ý kiến người dân. TS Võ Kim Cương vừa được Hội đồng Kiến trúc TP mời góp ý về phương án này và ông là một trong những người bày tỏ quan điểm không đồng tình.

Hết kẹt xe, ngập nước hãy nghĩ đến trụ sở công hoành tráng

. Phóng viên: Xin tiến sĩ cho biết Hội đồng Kiến trúc TP đã mời ông góp ý khi nào, ngoài ông ra còn có những ai và ý kiến của những người tham dự ra sao?

TS-KTS Võ Kim Cương

+ TS-KTS Võ Kim Cương: Tuần trước tôi cùng một số người nữa được Hội đồng Kiến trúc TP mời lấy ý kiến về phương án thiết kế mở rộng trụ sở UBND TP. Tại cuộc họp, một số ý kiến đồng thuận, một số ý kiến đồng ý phương án xây mới trụ sở mở rộng UBND TP nhưng đề nghị lưu ý thêm phương án bảo tồn dinh Thượng thơ cũ. Riêng cá nhân tôi và một số chuyên gia nữa thì hoàn toàn không ủng hộ phương án xây dựng trụ sở mở rộng. Chúng ta nhất định phải “chiến đấu” cho điều này để TP thận trọng khi quyết định.

. Tại sao ông lại không ủng hộ việc xây mới trụ sở mở rộng UBND TP?

+ Về tính cấp thiết, người dân TP đang cần những vấn đề quan trọng hơn, cần thiết được giải quyết hơn là một trụ sở hành chính to đẹp để các sở, ban, ngành làm việc. Việc xây dựng trụ sở TP không nằm trong chương trình trọng điểm của TP cần ưu tiên giải quyết trước. Tôi đề nghị khi nào TP hết ngập nước, kẹt xe thì khi đó hãy tính đến chuyện xây dựng trụ sở hành chính mới.

Chúng ta đang hướng đến xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền thông minh. Những đề án này chưa xong, chưa rõ hình hài mà đã tính chuyện xây mới trụ sở làm việc là không hợp lý. Nếu sau đó bộ máy tinh giản hoặc thay đổi cách thức làm việc thì công trình mới còn phù hợp không, hay sẽ lại lãng phí rất lớn.

Bên cạnh đó, tôi cũng không đồng ý phương án tháo dỡ những công trình hàng trăm năm để xây dựng trụ sở mới.

Dinh Thượng thơ cũ (hiện là trụ sở Sở TT&TT  và Sở Công Thương) sẽ bị tháo dỡ theo phương án mở rộng trụ sở UBND TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cố làm sẽ mất nhiều thứ

. Một số quan điểm cho rằng TP.HCM là đô thị lớn, hiện đại nhất nước nên cần có trụ sở hành chính xứng tầm. Nơi làm việc hiện nay của một số sở, ngành đã ọp ẹp, xuống cấp, chật chội. Do đó việc xây mới trụ sở công cho các sở, ngành là cần thiết. Hơn nữa trụ sở mới không dùng vốn ngân sách mà xã hội hóa bằng các hình thức đầu tư như BT. Ông nghĩ sao?

+ Trong tình cảnh người dân mỗi ngày vẫn vật lộn với kẹt xe, ngập nước thì trụ sở làm việc của các sở, ngành và TP có chật chội, thiếu tiện nghi một chút cũng không sao cả. Cán bộ, công chức phải là những người đi đầu chịu khó chịu khổ, nhường cho sự phát triển chung của TP và những nhu cầu cấp thiết của người dân. Việc xây dựng trụ sở công hoành tráng trong lúc này rất phản cảm. Dù thực hiện bằng nguồn vốn nào đi nữa, không trực tiếp từ ngân sách đi nữa thì TP cũng phải trả một cái giá nào đó cho nhà đầu tư. Không ai cho không ai cái gì mà không đổi lại điều kiện nào đó. Ở Đà Nẵng từng có câu chuyện doanh nghiệp tặng một chiếc xe hơi cho địa phương này cũng bị xem có vấn đề và phải trả lại.

Tôi muốn nói rằng với rất nhiều lý do, thà rằng TP khoan vội vàng quyết định, tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn thì tuy chậm nhưng được lòng dân. Còn hơn cứ cố làm cho được nhưng mất nhiều thứ, trong đó có niềm tin của dân.

. Về việc tháo dỡ dinh Thượng thơ cũ (tức Sở TT&TT hiện nay), lãnh đạo Sở QH-KT khẳng định công trình này không nằm trong danh mục cần được bảo tồn, không nhất thiết phải giữ lại. Ông có ý kiến gì?

+ Thực ra TP chưa có danh sách chính thức các công trình cần bảo tồn. Danh sách các khu vực cảnh quan và công trình tiêu biểu cần bảo tồn chỉ là bản phụ lục của Thông báo số 46, ngày 17-5-1996, do ủy viên ủy ban ký truyền đạt ý kiến của Thường trực UBND về công tác bảo tồn: “...Trước mắt, cần xác định các đối tượng đã được chương trình nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đưa vào danh mục (có danh sách kèm theo) và sớm soạn thảo quy chế (tạm thời) để thực thi công tác này trên địa bàn TP.HCM”.

Nghĩa là danh sách này mới là bước đầu và cũng chưa có quyết định chính thức của UBND TP. Hiện nay đã có Luật Di sản và TP có Ban chỉ đạo công tác bảo tồn, một đề tài khoa học đang triển khai để xác định đầy đủ hơn các công trình cần bảo tồn trên địa bàn.

Tại sao không tìm phương án bảo tồn dinh Thượng thơ mà phải đập bỏ? Những công trình cổ là chứng nhân của quá khứ, là một phần của lịch sử TP cần lưu giữ, bảo tồn. Cứ đập bỏ xây mới thì chúng ta còn lại gì cho mai sau?

Tôi rất đồng tình ý kiến của KTS Ngô Viết Nam Sơn: Bảo tồn ô phố thì mới có giá trị vì các kiến trúc trong đó thiết kế hài hòa, không phải chỉ bảo tồn từng công trình riêng lẻ. Trụ sở UBND TP được bảo tồn nguyên vẹn nhưng phần phía sau thiết kế với quy mô lớn nhưng hoàn toàn chỏi ngược khi được gắn vào thì sẽ lấn át trụ sở UBND TP, làm mất không gian của cả ô phố.

. Xin cám ơn ông.

Đi ngược chủ trương chống kẹt xe, không xây cao ốc trong trung tâm

Chúng ta đã và đang trả giá quá lớn khi dồn cao ốc vào nội thành. Thế mà phương án mở rộng trụ sở UBND TP lại tiếp tục dồn vào lõi khu trung tâm TP. Quận 1 đã quá tải lắm rồi. Nếu muốn xây, hãy dời ra xa và cán bộ, công chức của TP phải hy sinh đi làm xa như Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cái cần của một TP thông minh mà lãnh đạo TP hay nói đến, đó là đơn giản và thuận lợi thủ tục hành chính, làm việc qua mạng điện tử, không phải những trụ sở hàng ngàn tỉ đồng. Ngoài ra, việc xây dựng trụ sở mở rộng được thực hiện theo phương thức nào cũng phải làm rõ cho người dân biết.

Về phương diện ý kiến cá nhân, tôi phản đối hình thức đầu tư BT lẫn BOT vì rất dễ tiêu cực. Nên chấm dứt đầu tư BT, BOT mà phải thay bằng đấu giá, đấu thầu công khai.

Kỹ sư NGUYỄN VĂN ĐỰC
Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành

Không giữ dinh Thượng thơ vì không trong danh mục bảo tồn (?)

Đó là ý kiến của Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thanh Nhã về việc tháo dỡ dinh Thượng thơ cũ theo phương án thiết kế mở rộng trụ sở UBND TP tại buổi họp báo về kinh tế-xã hội năm tháng đầu năm vào ngày 2-5. Ông Nhã thông tin qua hai tuần trưng bày phương án thiết kế để lấy ý kiến người dân, có hơn 110 phiếu góp ý. “Khoảng 60% ý kiến ủng hộ và 40% còn lại có những ý kiến về các vấn đề khác” - ông Nhã nói.

Theo giám đốc Sở QH-KT, các vấn đề người dân quan tâm gồm: vị trí công trình, bảo tồn khối nhà cũ hiện là trụ sở làm việc của Sở TT&TT (tức dinh Thượng thơ cũ) và phương án thiết kế, kiến trúc công trình này. Về việc đập bỏ dinh Thượng thơ cũ, ông Nhã khẳng định tòa nhà này không nằm trong danh mục bảo tồn giữ nguyên trạng.

“Chỉ cần có trong danh mục bảo tồn, dù danh mục này chưa được phê duyệt thì cũng sẽ được ứng xử như công trình bảo tồn. Tuy nhiên, qua kiểm tra thì từ trước đến giờ công trình này chưa từng được đưa vào danh mục kiểm kê để đưa vào danh sách bảo tồn” - ông Nhã thông tin.

Giám đốc Sở QH-KT cho rằng không phải công trình nào từ xưa để lại cũng khiến dư luận tiếc nuối. Đồng thời cũng có những giải pháp khác để bảo tồn một phần như giữ lại một số nét của tòa nhà để các thế hệ sau vẫn có thể nhận diện được dấu ấn lịch sử của công trình.

Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng hiện nay trụ sở làm việc của các sở sau lưng UBND TP như TN&MT, GTVT, KH&ĐT rất nhếch nhác, xuống cấp, thấm dột. TP đã có chủ trương cải tạo và mở rộng trụ sở hiện hữu từ lâu và đã chuẩn bị xong các bước cần thiết.

Tuy nhiên, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị ngừng việc xây dựng trung tâm hành chính trên toàn quốc bằng nguồn vốn ngân sách và khuyến khích thực hiện theo hình thức PPP. Do đó, TP đã phải tạm dừng lại để nghiên cứu và thực hiện theo hình thức PPP, cụ thể là hình thức BT đối với dự án này.

Ông Hoan khẳng định việc cải tạo, mở rộng trụ sở hiện hữu sẽ tôn trọng các thiết kế cũ và việc này sẽ được xuyên suốt trong tất cả công đoạn thực hiện dự án theo hình thức BT. “Sau khi lấy ý kiến của người dân và chốt phương án thiết kế, TP sẽ tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư công khai chứ không chỉ định đầu tư, kể cả đất giao cho nhà đầu tư để làm BT cũng phải đấu thầu” - ông Hoan nói.

Ông Hoan cũng đồng tình với giải pháp bảo tồn như giám đốc Sở QH-KT đề xuất. “Việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng trụ sở UBND và HĐND TP cũng suy nghĩ và cân nhắc rất kỹ. Do đó, TP đã đưa ra lấy ý kiến nhân dân, các nhà khoa học, kiến trúc sư nổi tiếng… TP ghi nhận những ý kiến ủng hộ và cả những ý kiến trái chiều để hoàn thiện phương án thiết kế”.

VIỆT HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm