Tôi hết hồn với tin biệt thự 59-61 Lý Tự Trọng sắp bị đập bỏ trong kế hoạch mở rộng trụ sở UBND TP.HCM trong khi chưa hết bàng hoàng với “cái chết” của khu Ba Son - nơi từng là xưởng đóng tàu của Nguyễn Ánh từ thế kỷ 18 và hàng cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng, trong khuôn viên nhà thi đấu Phan Đình Phùng biến mất...
Ở Sài Gòn có căn nhà từng là nơi cư ngụ của Giám mục Bá Đa Lộc trong khuôn viên tòa Tổng Giám mục giáo phận Sài Gòn (180 Nguyễn Đình Chiểu hiện nay) là xưa nhất, xây năm 1790. Ngôi nhà xưa thứ hai là căn biệt thự 59-61 Lý Tự Trọng. Nơi đây là tòa soạn của tờ báo quốc ngữ đầu tiên, tờGia Định Báo!
Ngay sau khi chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, năm 1861, thực dân Pháp dựng một ngôi nhà gỗ dùng làm dinh Thống đốc Nam Kỳ trên phần đất nay là Trường Trần Đại Nghĩa.
Năm 1864, Pháp thành lập Nha Nội chánh (báo chí và dân chúng ngày xưa thường gọi là dinh Lại Bộ Thượng Thơ). Nhiệm vụ của nha này là 1. Tòa án bản xứ; 2. Học chánh; 3. Tài chánh sự vụ như bưu chánh, công sản, trước bạ, địa chính, điện tín, thương cảng; 4. Sở công chánh (cầu đường, xây dựng...); 5. Thương nghiệp, nông nghiệp và công nghiệp; 6. Cảnh sát, trại giam, nhà thương; 7. Điều khiển các nhân viên phụ trách hành chánh các tỉnh.
Tòa nhà Nha Nội vụ năm 1864 được thống đốc Nam Kỳ chỉ định ở “góc đường Catinat và quảng trường Đồng hồ, mặt tiền hướng về đường phố” và cùng năm này được đấu thầu xây dựng.
So với nhà thờ Đức Bà nằm cách đó chưa đầy trăm thước, Nha Nội vụ xưa (nay là cơ quan Sở TT&TT) là đàn anh, là chú bác. Nhà thờ bị hư hỏng, giáo hội đã tu bổ mà nghe chừng tổng chi phí là 140 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này do giáo dân trong giáo phận đóng góp.
Còn Nha Nội vụ sau 150 năm đứng chịu nắng mưa thì hư hỏng là việc bình thường và chuyện sửa chữa cũng là bình thường. Việc bất thường là có đề nghị đập bỏ!
Tôi không rõ ai là người hoặc cơ quan nào đề nghị, song khi đề nghị như vậy, họ có cho cấp trên biết nếu xây dựng một căn nhà tương tự vậy tốn bao nhiêu không? Và liệu như chúng ta có dư tiền để xây một hay hai căn nhà giống vậy thì những căn nhà ấy có đủ tố chất, đủ thâm niên, đủ các yếu tố như căn nhà đang có? Còn trụ sở UBND thì xây ở đâu chả được. Thậm chí khi giữ nguyên ngôi nhà này, UBND vẫn có cách để sử dụng nó có hiệu quả mà không cần phải đập rồi xây mới.
Sẽ có người lập luận: Đây là dấu tích của thực dân cần phải phá bỏ. Xin thưa rằng: Các công trình có trên đất TP này đều là tiền của và công sức của người Việt cả. Thực dân không bỏ xu teng nào hết! Tất cả đều là của người Việt!
Giữ lại một cổ tích là giữ lại xương máu và mồ hôi của tổ tiên ta đã đổ xuống để tạo nó nên hình, nên dáng. Đồng thời nhắc nhớ cho cháu con một giai đoạn lịch sử của TP này đã từng trải qua!