Vỉa hè được chỉnh trang lát gạch mới rộng thoáng, sạch đẹp, giảm hẳn những cảnh nhếch nhác và nhất là tiếng xe máy của mấy anh Tây ba lô thuê chạy bạt mạng, ồn ào như trước đây hầu như vắng bóng. Đường Bùi Viện có nhiều khách sạn mini, phòng trọ bình dân. Tuy nằm ở vị trí trung tâm thành phố nhưng giá cả ăn uống, giải khát cũng thuộc loại bèo nhất nhì thành phố nên đã thu hút đông đảo du khách mà hầu hết là du lịch ba lô ít tiền - còn gọi là du lịch bụi. Do đó khu vực này được gọi là “phố Tây ba lô”.
Nhưng thật ra không chỉ có “Tây” mà có đủ các quốc tịch. Da trắng, da đen, da nâu, da vàng nhộn nhịp đi tới đi lui ở khu tứ giác Bùi Viện - Đề Thám - Phạm Ngũ Lão - Đỗ Quang Đẩu! Thậm chí có nhiều anh “Tây” châu Phi đến Việt Nam không phải để du lịch mà là kiếm cơ hội làm ăn. Trong đó có một số cầu thủ bóng đá sang thử việc nhưng không đạt, hết tiền cũng chọn “tạm trú” dài hạn ở khu này vì giá cực rẻ, chờ cơ hội khác. Có nhiều anh chàng hết tiền ngủ bụi trên vỉa hè, rồi lang thang có khi làm chuyện phi pháp, lực lượng công an địa phương phải làm việc vất vả với mấy vị khách không mời mà đến này.
Vài ba chục năm trở lại đây, khách du lịch đến Việt Nam ngày càng đông, khu phố Tây ba lô ngày càng sầm uất, cái tên ngã tư quốc tế mang một ý nghĩa tích cực hơn.
Từ mấy chục năm qua ngã tư Đề Thám - Bùi Viện được gọi là ngã tư quốc tế. Thật ra cụm từ “ngã tư quốc tế” có từ thời Pháp để gọi khu vực ngã tư Trương Định - Lê Thánh Tôn, gần chùa Bà Ấn (tức đền thờ nữ thần Mariamman của đạo Hindu, 45 Trương Định). Đến khoảng năm 1954-1955, ngã tư quốc tế dạt về khu cư xá hỏa xa của Pháp, gần rạp hát Nguyễn Văn Hảo, đường Trần Hưng Đạo, sau lan rộng qua khu Đề Thám, Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão. Nơi đây hình thành khu vực sinh sống của giới giang hồ tứ chiếng nên cái tên “ngã tư quốc tế” mang một ấn tượng không hay, chỉ nơi tụ tập của các tay anh chị bảo kê đề đóm và gái mại dâm. Bởi ở góc đường Đề Thám - Phạm Ngũ Lão có mấy quán bia, phía sau là xóm nhà chứa gái, biên đề, lắc bầu cua và những mụ cho vay “đứng”. Khu vực Đề Thám - Bùi Viện vòng Đỗ Quang Đẩu qua Phạm Ngũ Lão cuối những năm 1950 còn được gọi là xóm Sáu Lèo - tên một tay giang hồ khét tiếng trước đi lính Pháp ở Lào, giải ngũ về ở xóm này làm nghề cho vay nặng lãi. Những năm cuối 1960 đầu 1970, thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất, vũ trường Tour d’Ivoire (Tháp Ngà) sang trọng nằm ngay góc Bùi Viện - Trần Hưng Đạo nổi tiếng là nơi các sĩ quan Việt và Mỹ hay giành gái đánh nhau, bắn nhau mà vụ bắn chết một sĩ quan Mỹ khoảng năm 1970 là “mỏ tin” cho báo chí lá cải Sài Gòn bấy giờ thi nhau khai thác, đưa tin giật gân bán báo!
Sau năm 1975, chính quyền cách mạng mở chiến dịch thu gom gái mại dâm, đề đóm, du đãng, bảo kê và những người vô gia cư khu vực chợ Cầu Ông Lãnh, Cầu Muối và khu ngã tư quốc tế. Bấy giờ khu vực này mới được yên... Từ sau thời kỳ mở cửa, vài ba chục năm trở lại đây, khách du lịch đến Việt Nam ngày càng đông, nhất là dân du lịch bụi thì khu phố Tây ba lô ngày càng sầm uất, cái tên ngã tư quốc tế mang một ý nghĩa tích cực hơn, chỉ nơi có đông đảo du khách quốc tế. Các hàng quán cà phê, quán ăn giá rẻ mọc lên khắp nơi, từ mặt đường vào hẻm phố. Hẻm chùa An Lạc từ phía đường Phạm Ngũ Lão ăn thông qua Bùi Viện là nơi có nhiều quán chay rất ngon và giá rất mềm, hấp dẫn đông đảo khách Tây ba lô. Thật ra họ chả biết gì về chay, mặn, họ chỉ thích các món ăn từ thực vật, thực đơn phong phú mà giá lại rẻ, được viết bằng tiếng Anh dựng trước mỗi quán. Đó là nét văn hóa kinh doanh đặc trưng đối với khách Tây. Cả các quán cà phê, giải khát quanh khu vực này cũng đều viết giá bán trên bảng kê trước cửa quán, các vị khách bụi ít tiền nên rất kỹ tính trong chuyện giá cả, họ đi một vòng xem từng bảng giá rồi mới quyết định vô quán nào...