Phạt hành chính đối với những người đi bộ sai luật có khả thi?

Xung quanh việc lực lượng CSGT Hà Nội chính thức xử phạt hành chính người đi bộ sai quy định được bắt đầu vào ngày 1/2, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Văn Luận - Văn Phòng Luật sư INTERLA, để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Nữ CSGT phân luồng giao thông trên phố của Thủ đô.
Nữ CSGT phân luồng giao thông trên phố của Thủ đô.

Thưa luật sư, quan điểm của luật sư như thế nào về việc CSGT xử lý người đi bộ sai quy định?

Quy định về xử lý người đi bộ sai quy định là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật để bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, đây là quy định mới do đó trong quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, bên cạnh việc áp dụng quy định này thì lực lượng CSGT cũng nên tuyên truyền giải thích cho người tham gia giao thông.

Nữ CSGT đưa người già qua đường.
Nữ CSGT đưa người già qua đường.

Việc đưa ra quy định xử phạt hành chính với người đi bộ nên hay không nên?

Việc đưa ra quy định xử phạt hành chính với người đi bộ là cần thiết bởi lẽ theo xu thế chung, hiện nay mật độ người đi bộ tham gia giao thông ngày càng nhiều, trên thực tế đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra mà nguyên nhân chính là từ hành vi vi phạm quy tắc giao thông của những người đi bộ.

Nếu việc xử lý phạt hành chính với người đi bộ sai quy định có hiệu lực thì người đi bộ nên làm gì với quy định này?

Thứ nhất: nhằm bảo đảm quyền lợi của mình, người đi bộ nên tìm hiểu kĩ những quy định của pháp luật có liên quan để nhận biết được những hành vi nào bị coi là vi phạm? mức xử phạt tương ứng là bao nhiêu? Và ai là người có thẩm quyền xử lý?

Thứ hai, người đi bộ nên hưởng ứng và chấp hành nghiêm chỉnh những quy định này để góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống giao thông đường bộ và bảo đảm an toàn cho bản thân và xã hội.

Chủ trương của các cơ quan chức năng trao quyền xử phạt hành chính đối với người đi bộ sai quy định cho CSGT như vậy đúng hay sai?

Chủ trương của các cơ quan chức năng trao quyền xử phạt hành chính đối với người đi bộ sai quy định cho CSGT là phù hợp với chức năng và quyền hạn của CSGT. Bởi lẽ người đi bộ khi tham gia giao thông, cũng như người điều khiển phương tiện đều phải chịu sự quản lý nhà nước về giao thông, hiện nay lực lượng CSGT là lực lượng trực tiếp tham gia bảo đảm an toàn cho hệ thống giao thông.

Liệu CSGT xử phạt hành chính với người đi bộ sai Quy định có khả thi không thưa Luật sư?

Theo quy định tại Điều 9, Điều 46 Nghị định dự thảo thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ – CP ngày 13/11/2013  quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt và đường bộ về vấn đề xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ và đường sắt.

Điều 9. Xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không đi đúng phần đường quy định, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này. Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường.

Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông. Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông. Vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn. Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy. Phạt tiền từ 70.000 đồng đến 150.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Điều 46. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông tại đường ngang, cầu chung, hầm. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ  50.000 đồng đến 70.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Người đi bộ vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng; vượt qua đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường hoặc hướng dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung, hầm khi đi qua đường ngang, cầu chung, hầm.

Từ những quy định trên thì việc CSGT xử phạt hành chính với người đi bộ là khả thi bởi lẽ: Thứ nhất mục đích và ý nghĩa của quy định này trước hết nhằm bảo đảm an toàn cho chính người bị xử phạt nói riêng và những người cùng tham gia giao thông khác, góp phần bảo đảm cho hoạt động giao thông đường bộ được nâng cao.

Thứ hai, quy định này cũng phù hợp với nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ được quy định tại Điều 4 Luật giao thông đường bộ 2008.

Thứ ba, CSGT hoàn toàn có thể phát giác các hành vi vi phạm của người đi bộ  cũng như quy định về các mức xử phạt hành chính khá cụ thể phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay.

Theo Infonet

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị CSGT tước giấy phép lái xe vì vi phạm nồng độ cồn, người này có được lái xe dưới 50cc?

Bị CSGT tước giấy phép lái xe vì vi phạm nồng độ cồn, người này có được lái xe dưới 50cc?

(PLO)- Bạn đọc Ngô Minh Châu hỏi: “Vừa qua tôi bị CSGT xử phạt về nồng độ cồn và bị tước bằng lái xe (giấy phép lái xe) nên tôi không biết đi làm bằng phương tiện gì. Tôi muốn hỏi sau khi bị tước bằng lái thì tôi có được lái xe đạp điện hoặc xe máy dưới 50 cc (50 phân khối) hay không?”

Tài xế lái xe bị đột quỵ gây tai nạn, ai chịu trách nhiệm?

Tài xế lái xe bị đột quỵ gây tai nạn, ai chịu trách nhiệm?

(PLO)- Theo Luật sư, việc khám sức khoẻ cho người thi bằng lái xe hiện nay rất nghiêm nhằm tránh các trường hợp không đủ điều kiện sức khỏe, tuy nhiên sức khoẻ của người lái xe sau khi cấp bằng lái khó kiểm soát được các vấn đề phát sinh.