Video: 1 cựu chủ tịch Khánh Hòa vắng mặt trong phiên xử vụ giao đất vàng trái luật |
Sáng 23-12, TAND tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa xử sơ thẩm vụ án vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định xảy ra tại khu đất số 01 Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang, tức trụ sở cũ Trường Chính trị Khánh Hòa.
Đề nghị xác định tư cách tham gia tố tụng của UBND tỉnh
Trong vụ án trên, VKSND tỉnh Khánh Hòa truy tố 13 bị cáo đều là cựu lãnh đạo tỉnh này.
11 bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa có mặt trong phiên xét xử hôm nay (ngày 23-12). Ảnh: HH. |
Các bị cáo bị truy tố gồm Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Đức Vinh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Tấn Thái, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, cựu Giám đốc Sở TN&MT; Lê Văn Dẽ, cựu Giám đốc Sở Xây dựng; Trần Văn Thọ, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh; Nguyễn Ngọc Tâm, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính; Vũ Xuân Thiềng, cựu Phó giám đốc Sở TN&MT.
Nguyễn Văn Nhựt, cựu Phó giám đốc Sở KH&ĐT; Trần Quang Bửu, cựu Phó giám đốc Sở Xây dựng; Trần Sỹ Quân, cựu Cục phó Cục Thuế Khánh Hòa; Lê Huy Toàn, cựu Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang; Nguyễn Ngọc Tuấn, cựu Phó phụ trách Phòng Vật giá công sản Sở Tài chính.
Trong số các bị cáo có năm bị cáo đang chấp hành hình phạt tù trong vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại dự án sinh thái Cửu Long Sơn Tự và dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung trên núi Chín Khúc. Đó là các bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên, Võ Tấn Thái, Lê Văn Dẽ.
Tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Lê Đức Vinh và bị cáo Võ Tấn Thái có đơn xin xét xử vắng mặt. Ngoài ra, ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp bộ, được tòa triệu tập nhưng vắng mặt.
Phiên tòa xét xử 13 bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa giao đất vàng trái luật. Ảnh: HH. |
Trước khi thẩm tra hồ sơ, lý lịch các bị cáo cũng như những người tham gia tố tụng, HĐXX thông tin do có sơ sót trong khâu đánh máy nên UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ thay đổi tư cách tham gia tố tụng từ người có nghĩa vụ liên quan sang nguyên đơn dân sự. Trong khi đó, đại diện UBND tỉnh có đơn xin vắng mặt.
Trong phần thủ tục trước phiên xét xử, luật sư (LS) Phan Trung Hòa, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, nói UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản ủy quyền cho giám đốc Sở Tài chính thay mặt tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, đại diện Sở Tài chính có đơn xin xử vắng mặt với tư cách là người có nghĩa vụ liên quan. LS Hoài cho rằng theo quy định nếu xác định UBND tỉnh Khánh Hòa là nguyên đơn dân sự thì phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
“Các LS chỉ mới tiếp cận được đơn xin vắng mặt của đại diện Sở Tài chính nhưng chưa xác định được nguyên đơn dân sự có yêu cầu bồi thường gì không”- LS Hoài nói.
Do đó, LS Hoài đề nghị HĐXX xem xét việc yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn dân sự là UBND tỉnh.
Cùng quan điểm với LS Hoài, một số LS khác cũng đề nghị HĐXX xác định đúng tư cách của UBND tỉnh Khánh Hòa trong vụ án. Đồng thời, triệu tập UBND tỉnh với tư cách là nguyên đơn dân sự và phải có đơn yêu cầu bồi thường do đây là vấn đề liên quan đến việc thiệt hại và bồi thường.
Một số LS đề nghị xác định rõ tư cách của UBND tỉnh Khánh Hòa trong vụ án. Ảnh: HH |
Ngoài ra, các LS cũng đề nghị triệu tập các điều tra viên, hội đồng thẩm định giá cấp bộ, những người có nghĩa vụ liên quan vắng mặt.
Đại diện Công ty CP Yến Thanh cũng có cũng có đơn đề nghị HĐXX triệu tập UBND tỉnh Khánh Hòa tham gia tố tụng và xác định tư cách để bồi thường thiệt hại.
Sau khi hội ý, chủ tọa phiên tòa nói sẽ tiếp tục yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa có đơn yêu cầu bồi thường và sau đó sẽ cung cấp cho các LS.
Đối với yêu cầu của các LS về việc vắng đại diện của hội đồng định giá cấp bộ, HĐXX sẽ tiếp tục yêu cầu những người này có mặt tham gia phiên tòa.
Giao đất vàng không qua đấu giá
Trước khi phiên tòa tiến hành phần xét hỏi, VKSND tỉnh Khánh Hòa công bố cáo trạng.
VKSND tỉnh Khánh Hòa công bố cáo trạng vụ án. Ảnh: HH. |
Cáo trạng xác định: trong công tác quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước quá trình cho phép triển khai, thực hiện dự án xây dựng mới Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng- chuyển giao), 13 cựu lãnh đạo, cán bộ trên đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, các bị can đã có nhiều sai phạm trong việc chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT mà không tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.
Cấp giấy chứng nhận đầu tư, thực hiện thỏa thuận, điều chỉnh phương án kiến trúc quy hoạch dự án Nha Trang Center 2 tại khu đất 01 đường Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang; xác định giá trị quyền sử dụng đất thực hiện dự án BT, cấp giấy phép xây dựng không đúng với quy hoạch sử dụng đất của TP Nha Trang.
Các bị can cũng sai phạm trong việc quyết định giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bán tài sản trên đất.
Trong đó, với vai trò là người đứng đầu UBND tỉnh, ông Nguyễn Chiến Thắng đã chỉ đạo thực hiện các sai phạm trong việc khai thác quỹ đất cơ sở cũ của Trường Chính trị để thực hiện dự án BT Trường Chính trị. Đó là chỉ định nhà đầu tư mà không tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư; không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà ký hợp đồng BT với Công ty CP Thanh Yến xác định giá trị quyền sử dụng đất của khu đất và ấn định giá trị khu đất được cố định, ổn định trong suốt thời gian có hiệu lực của hợp đồng.
Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đang chấp hành án năm năm sáu tháng tù. Ảnh: HH |
Ông Thắng còn ký cấp giấy chứng nhận đầu tư không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP Nha Trang, là tiền đề cho toàn bộ các sai phạm.
Cơ quan điều tra xác định hành vi của các cựu lãnh đạo trên đã gây thất thoát tài sản của Nhà nước tại thời điểm ngày 6-2-2016 hơn 62 tỉ đồng đồng; còn tại thời điểm ngày 5-10-2020 hơn 324 tỉ đồng.
Riêng các bị cáo Đào Công Thiên, Nguyễn Ngọc Tâm còn có hành vi trái pháp luật trong việc bán tài sản Nhà nước gây thất thoát hơn 11,6 tỉ đồng.