1 nữ công nhân được công an Bình Chánh đình chỉ điều tra

Đó là lời chia sẻ đẫm nước mắt của chị Tiết Lệ Trân (công nhân, 29 tuổi, nhà ở TP.HCM) khi nghe chúng tôi báo tin Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với chị. Theo VKSND huyện Bình Chánh thì CQĐT đình chỉ điều tra bị can vì đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội.

Chị Tiết Lệ Trân trao đổi với luật sư Lê Quang Vũ (Văn phòng Luật sư Người Nghèo, Đoàn Luật sư TP.HCM). Ảnh: NGÂN NGA

Bị xe tải va vào tay lái nhưng vẫn bị buộc tội

Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, giữa tháng 4-2012, chị Trân chạy xe máy chở cô bạn Phạm Thị Mỹ Vân trên quốc lộ 1A từ cầu Bình Điền về chợ Bình Chánh (TP.HCM) thì xảy ra va chạm dẫn đến Trân bị gãy tay, thương tật 13%, còn Vân ngồi phía sau bị xe tải cán qua đùi gây tổn hại sức khỏe lên đến 85%.

Trong suốt quá trình điều tra, Trân liên tục kêu oan. chị cho rằng xe tải bất ngờ chạy vào làn đường xe máy nên hông bên phải xe tải va vào tay lái xe máy làm Trân bị mất thăng bằng. Thấy vậy, xe tải mới chạy sang trái trở về làn đường ô tô rồi thắng đột ngột làm Vân ngồi sau xe của Trân ngã xuống đường. Tiếp đó, có một lực đẩy đụng vào phía sau đuôi xe của Trân làm xe Trân ngã xuống đường rồi bị xe ba gác kéo đi một đoạn…

Thế nhưng tháng 10-2014, Trân vẫn bị VKSND huyện Bình Chánh truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, theo khoản 1 Điều 202 BLHS 1999 (khung hình phạt đến năm năm tù).

Có đến năm lần TAND huyện Bình Chánh đưa vụ án ra xét xử nhưng không thể tuyên án. trong đó có hai lần tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Ấy vậy, VKSND huyện Bình Chánh vẫn bảo lưu quan điểm nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn là do Trân điều khiển xe không đúng phần đường, không làm chủ tốc độ, xử lý kém.

Từ sự đấu tranh của Pháp Luật TP.HCM cùng hai luật sư Hồ Tố Trinh và Lê Quang Vũ (cùng Văn phòng luật sư Người Nghèo, Đoàn Luật sư TP.HCM), ngày 17-10, CQĐT đã phải đình chỉ bị can.

Chị Tiết Lệ Trân xúc động khi nhắc về người cha quá cố của mình. Ảnh:  NGÂN NGA

Cha qua đời khi con chưa được minh oan

Chúng tôi ghé nhà Trân khi đèn đường đã sáng, lúc này Trân mới tan ca về. Căn nhà của Trân chỉ khoảng 20 m2 nằm sâu trong con hẻm ở quận 6, TP.HCM. Lúc này cả nhà Trân đang chuẩn bị cơm cúng cho cha.

Thời điểm xảy ra tai nạn, Trân đang là công nhân và cũng đang làm luận văn tốt nghiệp đại học. Hơn sáu năm nay, sợ điều bất trắc đến với con gái, cha chị trở thành “xe ôm” bất đắc dĩ cho chị. Cả nhà nén nỗi đau, giấu người mẹ đang bị rối loạn tiền đình và bệnh trầm cảm, không cho bà biết.

“Thấy chị hay nhắc về ba?” - tôi buột miệng hỏi. Giọng chị nghẹn lại, quay mặt ra sau lưng ngăn dòng nước mắt: “Mình cảm thấy có lỗi lắm. Dù con mình không có tội nhưng ba vẫn phải đi qua nhà Vân quỳ xuống năn nỉ mẹ Vân, hứa cố gắng đền cho họ 100 triệu đồng với hy vọng người ta bãi nại. Tại ba sợ Trân có vấn đề gì…”.

Trân bảo lúc đó bị công an làm khó rất nhiều, do đó cả hai cha con quyết định tìm tới luật sư Hồ Tố Trinh, cho dù có 1% hy vọng thì cả hai cha con sẽ đi tới cùng vụ án.

Ban đầu, CQĐT đã trưng cầu giám định dấu vết trầy trên chiếc xe máy của Trân nhưng họ lại phớt lờ không xem xét bảng số xe của Trân bị móp vào bên trong. Theo Trân, đây mới là mấu chốt của vụ án để cho thấy có một xe phía sau đã đụng mạnh vào đuôi xe của chị và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cả Vân và Trân đều té xuống đường chứ không phải do Trân không làm chủ được tay lái. Cứ thế, họ đã gửi những lá đơn kiến nghị yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ.

Buổi sáng năm 2014 (tức sau hai năm kể từ ngày bị tai nạn) công an triệu tập chị đến rồi đưa quyết định khởi tố. “Họ bắt mình trực tiếp qua nhà tạm giữ, mình phải đứng trong đó rất lâu để cho anh công an chụp hình, cầm một cái bảng số giơ lên như tội phạm. Mình rất ức, nghĩ không có làm gì sai nhưng sao lại như vậy”, chị nói trong nước mắt. Đối với một đứa con gái mới vừa đôi mươi mà phải cầm bảng số như thế nó làm cho chị bị mất hết thể diện. Hình ảnh ấy ám ảnh chị mãi cho đến tận bây giờ.

Đằng đẵng hơn sáu năm, đến khi bị đột quỵ, nằm trên giường bệnh cha của Trân chỉ hy vọng được nhìn thấy tờ giấy đình chỉ, minh oan cho con mình. Nhưng rồi ông đã không kịp chờ đến ngày ấy. Hôm 1-9 vừa qua cha của Trân đã qua đời, mang theo bao nỗi lo về thân phận pháp lý đứa con gái mà ông hết mực yêu thương. “Ba ơi, con được minh oan rồi. Ở nơi ấy ba hãy yên lòng nhé!” - chị rơi lệ khi thắp nén nhang báo tin cho cha.

Chờ lời xin lỗi từ người làm oan

Dù năm tháng cứ trôi qua nhưng chiếc xe máy của chị Trân vẫn nguyên vẹn dấu vết va chạm. Đã có nhiều người khuyên Trân nên bán xe đi vì nó xui xẻo nhưng chị vẫn giữ lại làm kỷ niệm. “Anh công an cứ khuyên mình nhận tội thì thật may chiếc xe đã làm chứng cứ giúp mình kêu oan và cũng là cơ sở để báo Pháp Luật TP.HCM tin tưởng mình không có tội. Vậy làm sao mình nỡ bán nó đi được?” - mắt Trân ánh lên niềm hy vọng.

“Chị mong muốn điều gì nhất bây giờ?” - tôi hỏi. “Nếu có được khoản tiền mà VKSND huyện Bình Chánh bồi thường, mình sẽ phụ giúp bạn Vân phục hồi sức khỏe. Và mình sẽ chờ điều tra viên TVĐ xin lỗi mình một tiếng” - Trân chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...