1 trạm xử lý nước thải trị giá 77 tỉ xây xong rồi... để đó

(PLO)- Trạm xử lý nước thải làng nghề truyền thống Bình Thắng thuộc xã Bình Thắng, huyện Bình Đại (Bến Tre) có tổng vốn đầu tư hơn 77,6 tỉ đồng nhưng khi xây xong không vận hành, vì sao?.

Dự án Trạm xử lý nước thảilàng nghề Bình Thắng, huyện Bình Đại (Bến Tre) có tổng vốn đầu tư 77,6 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015. Dự án được thực hiện năm 2013- 2017.

Dân không đấu nối vào trạm xử lý nước thải vì phí cao

Dự án Trạm xử lý nước thải làng nghề Bình Thắng gồm các hạng mục: Xây dựng trạm xử lý nước thải công suất 300m3/ngày đêm; xây dựng 2.107 mét đường cống để thu gom nước thải; xây dựng hệ thống cống thoát nước mưa dọc theo tuyến lộ trung tâm làng nghề.

Dự án còn kết hợp cải tạo môi trường và cảnh quan rạch Bà Khoai bị ô nhiễm trong khu vực làng nghề bị ô nhiễm, phục vụ tiêu thoát nước tự nhiên cho làng nghề.

Trạm xử lý nước thải làng nghề Bình Thắng hiện đóng cửa. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Thế nhưng, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, dự án chưa phát huy được hiệu quả giải quyết ô nhiễm do nguồn nước thải sản xuất và sinh hoạt từ làng nghề, làm lãng phí nguồn vốn đầu tư công.

Theo ghi nhận, hiện nay nhà máy xử lý nước thải làng nghề Bình Thắng đã đóng cửa, máy móc thiết bị bên trong không vận hành. Riêng con Rạch Bà Khoai trong khu vực làng nghề tái diễn ô nhiễm, bồi lắng không đáp ứng mục tiêu thoát nước. Hành lang rạch Bà Khoai còn bị nhiều người dân lấn chiếm, mất cảnh quan môi trường và mỹ quan đô thị khu vực nội ô thị trấn Bình Đại.

Ông Phạm Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thắng cho biết, do không còn hoạt động, nên tháng 9-2023 UBND huyện Bình Đại giao Trạm xử lý nước thải này cho xã quản lý và UBND xã trưng dụng phòng ốc bên trong để làm trụ sở ấp 3 và ấp 4.

Cũng theo ông Phong, Trạm xử lý nước thải làng nghề Bình Thắng dừng hoạt động là do trước đây, khi dự án hoàn thành, chính quyền, đoàn thể xã, ấp phối hợp cùng đơn vị được thuê vận hành nhà máy là Công ty Cổ phần sản xuất, thương mại N.I.D tiến hành vận động, lấy ý kiến 220 hộ dọc tuyến ống tại các ấp 2,3,4 đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải của trạm.

Thiết bị, máy móc bên trong Trạm xử lý nước thải không vận hành. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Qua triển khai có 16/220 hộ tham gia đấu nối vào hệ thống, các hộ còn lại không đấu nối. Nguyên nhân là do số tiền thu phí hằng tháng để đảm bảo phí vận hành Trạm giai đoạn đầu là 125.000 đồng/hộ/tháng, đến khi hết giai đoạn ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ, tiền phí hơn 500.000 đồng/hộ/tháng. Với mức phí này người dân cho là quá cao nên không đồng ý đấu nối.

Nghiên cứu phương án chuyển đổi công năng

Ở xã Bình Thắng có hai làng nghề truyền thống đó là làng nghề chế biến cá khô và làng nghề khai thác, đánh bắt hải sản. Nơi đây có hơn 3.000 hộ dân, trong đó có khoảng 70% dân sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và chế biến cá khô. Mặc dù đông dân cư và có làng nghề truyền thống nhưng bao năm nay, người dân vẫn xả nước thải ra ao, hồ, kênh rạch gây ô nhiễm.

Rạch Bà Khoai tái diễn tình trạng ô nhiễm, bồi lắng không còn đáp ứng mục tiêu thoát nước. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Trước nhu cầu cần phải có một hệ thống thu gom, xử lý nước thải, nước sinh hoạt trước khi thải ra môi trường, khoảng 10 năm trước UBND tỉnh Bến Tre có chủ trương xây dựng Trạm xử lý nước thải trên và giao cho UBND huyện Bình Đại làm chủ đầu tư.

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho biết, phương án ban đầu dự án sẽ thu phí các hộ dân khu vực làng nghề đấu nối thu gom nước thải vào Trạm để xử lý để có chi phí vận hành sau thời gian sử dụng ngân sách để vận hành thử nghiệm.

Tuy nhiên, phương án này không thực hiện được vì người dân chưa chịu đấu nối vào hệ thống đường ống của nhà máy. Do không có chi phí để vận hành nên UBND huyện đã xin ý kiến và tỉnh đã cho chủ trương tạm ngưng hoạt động nhà máy.

Khu nhà điều hành được xây dựng khang trang bên trong Trạm xử lý nước thải làng nghề. Ảnh: ĐÔNG HÀ

“Hiện huyện cũng đang nghiên cứu phương án sắp tới nếu có điều kiện sẽ đầu tư mở rộng hệ thống đường ống kết nối đô thị với nhà máy xử lý nước thải làng nghề Bình Thắng để nhà máy vận hành trở lại tránh lãng phí, còn hiện tại thì chưa có vốn để thực hiện phương án này” – Ông Dũng nói

Trước đó, tháng 7-2023, UBND tỉnh Bến Tre có công văn giao nhà máy xử lý nước thải làng nghề Bình Thắng cho UBND huyện Bình Đại chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt bảo quản và bảo dưỡng, không để thiết bị hư hỏng.

Đồng thời khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án tối ưu, hiệu quả sử dụng Trạm xử lý nước thải làng nghề xã Bình Thắng trong thời gian chờ bố trí nguồn kinh phí để thực hiện dự án chuyển đổi công năng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới