Tính đến sáng 24-12, số người chết do đợt sóng thần bất ngờ ập vào eo biển Sunda, Indonesia đã lên đến 280 người. Ngoài ra, có khoảng 850 người bị thương và 28 người mất tích. Đa phần nạn nhân là người đi nghỉ mát ở Indonesia, Reuters đưa tin.
Cũng trong sáng nay, các chuyên gia cảnh báo một trận sóng thần mới có thể tấn công Indonesia.
"Khả năng xảy ra sóng thần ở eo biển Sunda vẫn cao vì khi núi lửa Anak Krakatoa đang trong giai đoạn hoạt động, các vụ lở đất dưới biển tiếp theo có thể xảy ra" - GS Richard Teeuw thuộc ĐH Portsmouth (Anh) nói với AFP.
Ông Teeuw cho rằng cần tiến hành sớm các cuộc khảo sát sonar (sử dụng sóng âm dưới nước) để lập bản đồ đáy biển xung quanh ngọn núi lửa. Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm các cuộc khảo sát như vậy thường mất nhiều tháng để tổ chức và thực hiện.
Một em bé được cứu sau khi trận sóng thần ập vào các bờ biển dọc eo biển Sunda, Indonesia hôm 23-12 khiến khách sạn nơi em cùng gia đình sinh sống bị đổ sập. Ảnh: REUTERS
Chuyên gia Jacques-Marie Bardintzeff tại ĐH Paris-South cũng cảnh báo rằng "chúng ta phải cảnh giác ngay bây giờ khi núi lửa đã bị mất ổn định".
Các quan chức Indonesia cho biết lực lượng cứu hộ đang ra sức tìm kiếm những người mất tích. Đồng thời, lực lượng cứu hộ đã huy động thêm nhiều máy móc hạng nặng để đào xới những đống đổ nát hòng tìm kiếm thêm người mất tích.
Đống đổ nát còn lại sau trận sóng thần. Ảnh: REUTERS
Các khu vực thiệt hại nặng là các TP Serang, Pandeglang (tỉnh Banten) và South Lampung (tỉnh Lampung). Hàng trăm ngôi nhà và công trình bị hư hại, xe cộ, cây cối bị lật tung. Nhà chức trách cảnh báo người dân và du khách tránh xa các bãi biển. Hơn 3.000 dân sống trong khu vực đã buộc phải di dời đến khu vực cao hơn. Cảnh báo sóng cao được phát đi và được giữ đến ngày 25-12.
Nhiều người ra phía bờ biển để ngóng tin người thân. Ảnh: REUTERS
Thời điểm xảy ra sóng thần lần này trùng với dịp lễ Giáng sinh, gợi lên những ký ức về trận sóng thần vào ngày 26-12-2004, làm 226.000 người ở 14 quốc gia thiệt mạng, trong đó có hơn 120.000 người ở Indonesia.
Indonesia có 127 ngọn núi lửa đang hoạt động và nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi thường xuyên xảy ra động đất và phun trào núi lửa.