Các khu vực thiệt hại nặng là các TP Serang, Pandeglang (tỉnh Banten) và South Lampung (tỉnh Lampung). Hàng trăm ngôi nhà và công trình bị hư hại, xe cộ, cây cối bị lật tung. Nhà chức trách cảnh báo người dân và du khách tránh xa các bãi biển. Cảnh báo sóng cao được phát đi và được giữ đến ngày 25-12.
Phần lớn người bị thương bị gãy xương và khó thở do uống quá nhiều nước biển. Jakarta Post dẫn lời nhân chứng cho biết sóng thần kéo dài khoảng 10 phút, tràn vào đất liền sâu 15-20 m. Tổng thống Indonesia Joko Widodo chỉ đạo các cơ quan ngay lập tức có biện pháp tìm kiếm nạn nhân và cứu chữa người bị thương. Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla dự báo thương vong sẽ còn tăng.
Theo Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa chất Indonesia, sóng thần xảy ra có thể do núi lửa Anak Krakatau trong khu vực eo biển Sunda phun trào, gây lở đất dưới đáy biển.
Xe cộ lật tung sau khi sóng thần tràn vào các bãi biển dọc eo biển Sunda (Indonesia) khuya 22-12. Ảnh: AP
Núi lửa Anak Krakatau xuất hiện và nổi lên giữa đại dương từ nửa thế kỷ trước sau sự kiện đảo núi lửa lớn Krakatau phun trào năm 1883 làm gần 36.500 người chết, phá hủy 165 làng mạc và TP. Đến thế kỷ 20, phún thạch từ núi lửa Krakatau tạo ra một núi lửa mới là Anak Krakatau, còn gọi là đứa con của Krakatau. Hiện Anak Krakatau là một trong 127 núi lửa vẫn đang hoạt động tích cực ở Indonesia.
Giải thích hiện tượng này với Channel News Asia, GS Benjamin P Horton tại Đài Quan sát Trái đất Singapore cho rằng sóng thần được tạo ra từ sự dịch chuyển bất ngờ của nước do núi lửa hoạt động. Sóng thần có thể được gây ra từ sự thay đổi kết cấu đất ngầm trong lòng núi lửa Anak Krakatau.
Theo Cơ quan Khí tượng Indonesia, Anak Krakatau đã có dấu hiệu gia tăng hoạt động vài ngày nay khi phun từng cột bụi cao đến hàng ngàn mét. Lúc 4 giờ chiều 22-12, ngọn núi phun trào trong khoảng thời gian dài tới 13 phút. Ông Oystein Lund Andersen, nhân viên Đại sứ quán Na Uy ở Jakarta, đang ở bãi biển Javaese nghỉ mát cùng gia đình khi sự việc xảy ra, cho biết ông chụp được hình ảnh núi lửa phun trào không lâu trước khi sóng thần xuất hiện.
Theo GS Horton, hiện tượng này rất hiếm nhưng hậu quả lại rất khủng khiếp một khi xảy ra, đặc biệt khi đất đá lở từ ngọn núi đổ xuống biển, lúc đó sóng thần sẽ rất cao.
Ngày 9-7-1958, một trận động đất đã gây lở đất tràn xuống vịnh Lituya của bang Alaska (Mỹ) gây nên sóng thần cực lớn tới 534 m. Vụ phun trào của núi lửa Krakatau năm 1883 gây nên sóng thần cao tới 30 m tràn vào hai đảo Java và Sumatra làm hàng ngàn người thiệt mạng.