Theo hãng tin Sputnik, giới chức quân đội Mỹ hôm 6-4 bày tỏ lo ngại về việc suy giảm quân lính, đạn dược và cho rằng đó là sự hạn chế khả năng để đáp ứng các đe dọa ngày càng tăng.
Trung tướng H.R. McMaster nói trước Thượng viện Mỹ rằng quân lính Mỹ có thể sớm “bị đánh bại bởi nhiều đối thủ tiềm tàng, trong khi quân đội của chúng ta lại quá nhỏ bé không thể bảo vệ quốc gia trước các rủi ro trong tương lai”. Trung tướng H.R. McMaster là phó tổng chỉ huy Training & Doctrine Command (TRADOC), là nhà chiến lực hàng đầu của TRADOC, đồng thời là nhà dự báo các hoạt động chiến tranh.
Binh lính Mỹ lên một chiếc trực thăng ở Afghanistan. Nguồn: Sputnik
Quân đội Mỹ - lực lượng phục vụ quân đội lớn nhất của nước Mỹ - có số quân gần 1 triệu người, trong đó có 450.000 binh sĩ thường trực và 530.000 binh sĩ dự bị. Giới lãnh đạo quân đội Mỹ cho rằng một triệu thành viên quân đội mới chỉ đủ ở mức “tối thiểu” cho một cuộc chiến tranh lớn. Tuy nhiên, với việc nguồn nhân lực vẫn chiếm chi tiêu lớn nhất của quân đội, các nhà phân tích nghi ngờ Quốc hội sẽ tiếp tục cắt giảm thêm số lượng quân lĩnh.
Trung tướng McMaster nhận định rằng vận mệnh chiến đấu của quân đội Mỹ sẽ thay đổi bởi những điều tồi tệ nhất không chỉ do quân số bị cắt giảm mà còn “thiếu tính hiện đại hóa”.
Ông McMaster lý giải nhận định trên của mình bằng các lý lẽ rằng “Phương tiện chiến đấu bọc thép Bradley và xe tăng Abrams sẽ sớm trở nên lỗi thời, song chúng ta hiện không có chương trình phát triển phương tiện chiến đấu dưới mặt đất”.
Từ lâu, Mỹ là nước tự hào khi không chỉ là quốc gia duy nhất trên thế giới có bộ máy quân sự đắt nhất thế giới mà còn vượt trội cả về quân số.
Các nhà chiến lược Mỹ đã thay đổi tầm nhìn của họ trong những năm gần đây, từ ưu thế dưới mặt đất dựa vào binh sĩ chuyển thành ưu thế trên không. Tuy nhiên, ông McMaster tin rằng chiến lược này có thể là sai lầm khi chứng kiến những thất bại trong nỗ lực trên không của Mỹ ở Ukraine.
Đáng chú ý, hai nước Nga và Trung Quốc, mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter gọi là mối đe an ninh dọa số 1 và số 2 cho nước Mỹ, đã sở hữu hệ thống radar phân tầng và tên lửa phòng không vốn có thể đánh bật máy bay Mỹ ra khỏi một khu vực nào đó.
Được biết đến là hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập (Anti-Access/Area Denial (A2/AD)), những hệ thống này hoàn toàn có thể phá hủy chiến lược quân sự dựa vào ưu thế trên không của Mỹ được xây dựng thập kỷ qua.
Ngoài ra, những tin tặc của Nga và Trung Quốc hiện đã có khả năng gây nhiễu hoặc tấn công các kết nối mạng không dây của lực lượng Mỹ và thậm chí ngay cả khi lực lượng không quân sẵn sàng tác chiến thì binh sĩ dưới mặt đất khó có thể truyền tải hệ thống tọa độ để thực hiện một cuộc không kích nào đó.
Sự ưu thế trên không của Mỹ vốn trước đây rất tự hào thì bây giờ “cần phải thức tỉnh” và cỗ máy chiến tranh của Mỹ cần chủ trương nâng cao công nghệ phương tiện tác chiến và mở rộng hết mức số lượng của lực lượng chiến đấu để lấy đà chuẩn bị cho các cuộc xung đột trong tương lai, McMaster kết luận.