Trong 10 năm qua, ông Ngô Thanh Liêm (67 tuổi) ở khu phố Vĩnh Phước 2, thị trấn Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) đã vận động mua quan tài hỗ trợ người nghèo.
Cũng là kiếp người nhưng sao họ bi đát quá
Bằng giọng nói trầm ấm và chậm rãi, ông Liêm cho biết ông vốn là thợ may lành nghề. Nhờ có chút tiếng tăm nên cái nghề cũng giúp ông cùng vợ nuôi ba con lớn khôn và thành đạt, cuộc sống ổn định. Đến cuối năm 2008, do tuổi cao không cho phép tiếp tục công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ này, ông quyết định chuyển nghề. Đó là “làm việc thiện” và tham gia công tác xã hội ở địa phương.
“Nhiều lần tôi chứng kiến những người neo đơn, nghèo khó “ra đi” mà không có chiếc hòm khâm liệm hoặc có cũng chỉ là chiếc hòm bằng gỗ tạp rồi đưa đi hỏa táng. Cũng là một kiếp người nhưng số phận họ bi đát quá. Từ suy nghĩ này, tôi cùng Hội Chữ thập đỏ thị trấn Vĩnh Thuận vận động Hội Tương tế người Hoa, bà con tiểu thương ở chợ Vĩnh Thuận, người khá giả mua hòm, hỗ trợ người nghèo” - ông Liêm bộc bạch.
Ông Liêm tận dụng các mối quan hệ quen biết mỗi năm phối hợp với các tổ chức từ thiện tổ chức chăm lo hậu sự cho từ 20 đến 25 trường hợp. Hiện chi phí cho mỗi đám tang từ thiện cho người nghèo trên dưới 10 triệu đồng, trong đó chi phí mua hòm từ thiện khoảng 7-8 triệu đồng, còn lại ông Liêm vận động bà con tiểu thương hỗ trợ các khoản khác như che rạp, trà, bánh và hỗ trợ hỏa táng… “Nghĩa tử là nghĩa tận, không kể thời gian sớm tối, hễ có người thông tin cho ấp, khu phố, sau đó ấp, khu phố gọi xin hòm là mình đi lo” - ông Liêm nói.
Gầm cầu Vĩnh Thuận, nơi nhiều mảnh đời khốn khó tá túc rồi trút hơi thở sau cùng đã được ông Ngô Thanh Liêm vận động giúp đỡ.
Ông Ngô Thanh Liêm bên cuốn sổ khổ A4 ghi chi tiết lý lịch người nghèo, hoàn cảnh cơ nhỡ khi chết mà chính ông và Hội Chữ thập đỏ thị trấn Vĩnh Thuận hỗ trợ.
Cuốn sổ A4 và hàng trăm phận người
Cuốn sổ khổ A4, trang thứ 137 ghi: “Ngày 28-12-2017, ông Nguyễn Văn Năm qua đời, hưởng thọ 97 tuổi. Ông Năm đã hai lần lấy vợ, cuộc sống nghèo khó nên lúc về già phải tạm trú dưới gầm cầu Vĩnh Thuận. Trước lúc qua đời, ông Năm nằm liệt một chỗ, được bà con thương tình chăm sóc thuốc thang gần hai năm ròng. Sau khi chết, ông được hỏa táng ở chùa Cái Nhum, xã Phong Đông”. Nhờ tư liệu quý này, người thân của ông Nguyễn Văn Năm đã tìm được hài cốt và cất bốc về miền Bắc an táng.
Đó còn là những cảnh đời nghèo khổ, không có nhà ở, chèo đò mưu sinh. Khi chết, nơi họ mưu sinh cũng là nơi họ trút hơi thở cuối cùng, như bà Lương Kim Hường (63 tuổi) làm nghề chèo đò, ở bến đò thị trấn Vĩnh Thuận. Bà Hường sống một mình, khi chết không có người thân và nơi làm đám tang. Ông Liêm cùng Hội Chữ thập đỏ thị trấn Vĩnh Thuận đứng ra hỗ trợ hòm, che bạt làm đám ngay tại bến đò, sau đó đưa đi hỏa táng.
Gần 10 năm lo hậu sự cho người nghèo là chừng đó thời gian ông Liêm tỉ mỉ ghi lại từng hoàn cảnh vào hai cuốn sổ khổ giấy A4 với trên dưới 200 trường hợp đã được ông vận động giúp đỡ. “Tôi ghi từng chi tiết như vậy để sau này con cháu hay thân nhân người chết từ nơi xa có thể tìm nhận lại hài cốt một cách dễ dàng. Bởi phần lớn người chết thường không có người thân ở Vĩnh Thuận hoặc sống cô đơn một mình” - ông giải thích.
Éo le nhất của phận người, mà ông Liêm từng gặp là trường hợp của ông Lê Văn Sáu (66 tuổi). Hằng ngày, ông Sáu bán vé số, tối ngủ gầm cầu Vĩnh Thuận rồi ông qua đời tại đây, kiến bu đầy người, đúng vào dịp Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer. Gác lại chuyện vui Tết, chùa Chắc Băng cũ, xã Phong Đông đã giúp đỡ ông Liêm hỏa táng ông Sáu tới tận 22 giờ đêm.
Những năm gần đây, người dân nghèo ở Vĩnh Thuận bỏ quê đi làm ăn ở TP.HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai rất nhiều. Nhiều trường hợp bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông và chết tại xứ người như trường hợp anh Danh Phục (18 tuổi), ấp Cái Nhum, xã Phong Đông là ví dụ. Anh Phục làm thuê ở Bình Dương, bị tai nạn giao thông tử vong. Nhà Phục nghèo quá nên gọi điện thoại nhờ ông Liêm bố trí hòm mua tận TP.HCM đưa về quê lo hậu sự chu toàn. “Nếu không có ông Liêm hỗ trợ, tôi cũng không biết làm sao mới đưa anh Phục về quê an táng” - chị Thị Thơm, vợ anh Phục, bồi hồi nhớ lại…
Gia đình đã khuyên ông nghỉ ngơi vì lớn tuổi nhưng thấy còn nhiệt tình nên địa phương đã vận động ông ở lại đóng góp cho công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo. Không chỉ lo quan tài cho những cảnh đời cơ nhỡ, ông Liêm còn làm tốt công tác vận động hiến máu tình nguyện, vận động tặng quà cho người nghèo vào các dịp lễ, Tết… Hoạt động, phong trào nào có ông Liêm tham gia là đều đạt kết quả. Ông LÊ VĂN ĐỦ, Bí thư Đảng ủy, |