Sáng 12-7, Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) tại Hà Nội. Tại hội nghị, ông Phan Văn Sáu, Tổng Thanh tra Chính phủ, cho biết trong 10 năm qua dù có nhiều cố gắng nhưng tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhất là đất đai, ngân hàng, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, tổ chức-cán bộ,… và chưa bị đẩy lùi.
Thiệt hại gần 60.000 tỉ, thu hồi chưa đầy 5.000 tỉ
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong 10 năm qua, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra được phát hiện là gần 60.000 tỉ đồng và trên 400 ha đất. Số tiền đã thu hồi cho Nhà nước là 4.676,6 tỉ đồng (gần 8%) và trên 219 ha đất.
Lý giải việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng do nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản. Thậm chí các quan chức tham nhũng đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt được, tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả.
Đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng tài sản nhà nước thiệt hại do tham nhũng gây ra là rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng nhưng kết quả thu hồi chưa được triệt để do tài sản tham nhũng đã được tẩu tán rất tinh vi, được đứng tên người khác. Trong nhiều trường hợp, rất khó xác định tài sản tham nhũng, thậm chí có những khoản không tách bạch được.
Ông Sáu cho rằng để thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn, cần “Quy định việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn của cơ quan có thẩm quyền nhằm tránh tẩu tán tài sản và các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng ngoài quy trình tố tụng hình sự”.
Vụ án Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch HĐQT Vinalines, tham ô tài sản từng gây rúng động dư luận. Ảnh: ĐỨC MINH
Kê khai tài sản còn gian dối
Theo ông Sáu, một trong những vấn đề nảy sinh tham nhũng chính là việc kê khai tài sản gian dối, thiếu kiểm chứng, trong khi các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập là thiết chế quan trọng để phòng ngừa tham nhũng.
Người đứng đầu Thanh tra Chính phủ cho rằng việc kê khai tài sản, thu nhập hiện nay vẫn còn nặng về hình thức. Hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng; chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Qua 10 năm chỉ xác minh được 4.859 trường hợp; phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực.
Về vấn đề này, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng việc kiểm tra tính trung thực của hoạt động kê khai ít được thực hiện trên thực tế, chỉ đến khi sự việc bị phát hiện, các cơ quan chức năng vào cuộc thì việc kiểm tra mới được thực hiện. Cùng đó, thiếu cơ bản cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập trong xã hội, nhất là thực trạng sử dụng tiền mặt còn phổ biến.
Theo ông Sáu, Luật PCTN sửa đổi tới đây phải tập trung hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập. Diện cán bộ có nghĩa vụ kê khai tài sản cũng cần hợp lý hơn. Bên cạnh đó, có cơ chế chủ động xác minh tài sản, thu nhập; quy định các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập. Đồng thời thực hiện việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm, giải trình thu nhập đối với những giao dịch, khoản chi tiêu có giá trị lớn hoặc có dấu hiệu bất thường; tiếp tục bổ sung chế tài xử lý vi phạm.
Luật PCTN phải có chế tài nghiêm khắc
Kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá công tác PCTN của Chính phủ đã tạo được chuyển biến cả trong nhận thức và hành động, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi. Công tác PCTN chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá và đẩy nhanh việc xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế-xã hội, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.
Các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương rà soát, nghiên cứu xây dựng hệ thống pháp luật về PCTN, cần có chế tài nghiêm khắc để thực sự là công cụ hữu hiệu trong việc thực hiện PCTN. Tạo ra khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần tích cực vào việc PCTN tới đây.
Khởi tố, điều tra 2.896 vụ án với 7.136 bị can phạm tội tham nhũng Từ năm 2005 đến 2015, cơ quan điều tra các cấp Bộ Công an đã thụ lý 4.548 vụ việc có liên quan đến tham nhũng. Theo đó đã khởi tố, điều tra 2.896 vụ án với 7.136 bị can phạm tội về tham nhũng, đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 2.487 vụ với 5.965 bị can. Tài sản tham nhũng thống kê từ các vụ án trên đã gây thiệt hại trên 23.500 tỉ đồng. Quá trình phát hiện, điều tra và chuyển truy tố, xét xử nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận đặc biệt quan tâm như: Vụ tham ô tài sản xảy ra tại Ban Quản lý Đề án 112 Chính phủ; vụ Vũ Quốc Hảo - tổng giám đốc Công ty Cho thuê tài chính Agribank (ALCII) tham ô tài sản, cố ý làm trái… gây thiệt hại trên 1.000 tỉ đồng (tòa tuyên năm án tử hình); vụ Dương Chí Dũng tham ô tài sản (hai án tử hình); vụ Trần Quốc Đông và đồng phạm thuộc Ban Quản lý dự án đường sắt trên cao phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ ... Thứ trưởng Bộ Công an LÊ QUÝ VƯƠNG Nhất quyết phải xóa bỏ cái gọi là “xin-cho” Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cũng cho rằng việc công khai, minh bạch còn hạn chế, chưa xóa bỏ được cơ chế “xin-cho” chính là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng. Cùng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng cần phải xóa bỏ cái gọi là “xin-cho”. Lợi dụng tặng quà để đưa hối lộ Quy định về việc nộp lại quà tặng, theo đánh giá của Chính phủ còn rất hình thức, hiệu quả thấp và trên thực tế cũng rất khó kiểm soát... 10 năm qua có 879 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị 3,3 tỉ đồng; có 10 trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý. Tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về tặng quà, cảm ơn để biếu xén, đưa hối lộ vì động cơ vụ lợi còn khá phổ biến. Quy định và việc thực hiện quy định nộp lại quà tặng còn hình thức, thiếu khả thi, hiệu quả thấp, vì thế cần phải có quy định cụ thể chế tài xử lý và thể chế hóa bằng pháp luật. Tổng Thanh tra Chính phủ PHAN VĂN SÁU |