“Nếu tới đây cho phép cán bộ, công chức nhà nước kê khai tài sản thì bắt buộc phải công khai, vì người dân có thể biết, giám sát và thấy được sự tăng giảm về tài sản của quan chức. Công khai, minh bạch được thì người dân sẽ cùng tham gia giám sát. Điều này sẽ có tác động trong việc ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng hiệu quả hơn”. Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), đã nói như thế khi trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM xung quanh vấn đề công khai tài sản của cán bộ, công chức.
Nên công khai tài sản trên báo, đài
. Phóng viên: Với tình hình công khai tài sản kiểu như hiện nay (tức là lựa chọn kênh công khai) hoặc khi ứng cử ĐBQH mới công khai một cách rất hạn chế thì có đạt được mục đích phòng, chống tham nhũng không?
+ Ông Phạm Trọng Đạt: Theo quy định hiện nay, niêm yết bản kê khai tài sản tại trụ sở, đơn vị, cơ quan nơi người kê khai đang công tác hoặc công khai trong các cuộc họp liên quan cũng là hình thức công khai. Nghĩa là đối tượng kê khai tài sản ở đâu thì công khai tài sản ở đó. Nghị quyết của Trung ương mới đây có đề cập đến việc công khai ở nơi cư trú. Nhưng bây giờ phải tính toán lộ trình, làm sao vừa đảm bảo được an ninh trật tự, vừa đảm bảo quyền lợi của người kê khai. Bởi một số đối tượng có thể lợi dụng khiếu kiện hoặc với mục đích cá nhân gây ra sự phức tạp.
. Theo ông, có nên công khai tài sản của quan chức một cách rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân giám sát không? Chí ít là hàng trăm ngàn con mắt giám sát sẽ tạo ra những tác động rất lớn để người ta không dám kê khai gian dối và hạn chế tham nhũng?
+ Như tôi đã nói, hiện nay chúng ta thì vẫn công khai ở đơn vị, nơi làm việc. Tuy nhiên, công khai nhưng như thế mới chỉ ở một mức độ chừng mực và đối tượng thuộc đơn vị, cơ quan nào thì cơ quan đó chịu trách nhiệm thôi, còn việc để toàn dân biết thì chưa có.
Học tập kinh nghiệm ở các nước, thiết nghĩ nên công khai trên các phương tiện truyền thông rộng rãi hơn nữa để dân giám sát, làm sao để dân được biết càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, cùng với việc giám sát ấy cũng phải tính toán đến các yếu tố phát sinh gây phức tạp thêm tình hình như đã đề cập trên đây.
Khi người dân cùng tham gia giám sát việc kê khai tài sản quan chức thì sẽ phòng ngừa tham nhũng hiệu quả hơn. Ảnh: HTD
Kê khai mà không giám sát kê khai làm gì
. Theo ông cần công khai tài sản ở những cấp nào?
+ Bây giờ muốn công bố rộng rãi hơn, kể cả tài sản của các bộ trưởng và quan chức cao cấp. Tuy nhiên, phải xem xét làm sao có một đầu mối chuyên nghiệp về công tác quản lý, xác minh tính trung thực của đối tượng kê khai này.
Tới đây khi sửa Luật PCTN, chúng ta sẽ phải lưu ý điều này. Phải xem xét đến việc thành lập một trung tâm dữ liệu, tổng hợp, đánh giá, thậm chí là thẩm định các tài sản kê khai thì mới quản lý chặt được. Hiện nay việc này rải ra ở các cấp, các ngành, đơn vị quản lý khác nhau nên còn rất nan giải trong việc xác minh tài sản quan chức, ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống tham nhũng.
. Muốn vậy phải hạn định đối tượng kê khai tài sản lại chứ như hiện nay là quá rộng?
+ Chúng tôi đang tiến hành tổng kết về việc kê khai tài sản, đặc biệt là các đối tượng tham gia kê khai tài sản như hiện nay có phù hợp không.
Thực tế khi đối tượng kê khai rộng quá thì rất khó quản lý. Điều này dẫn đến không giám sát được. Vì thế cần phải xem xét, cân nhắc lại vấn đề này. Làm sao để việc kê khai dù hẹp hơn nhưng đảm bảo tính giám sát của người dân cao, còn kê khai ra đấy mà không giám sát thì kê làm gì.
. Xin cám ơn ông.
Không ngại xử lý nếu phát hiện quan chức trốn thuế, rửa tiền . Phóng viên: Thưa ông, hiện nay thế giới đang xôn xao về việc các quan chức trốn thuế, rửa tiền ở Panama bị phanh phui. Dư luận trong nước cũng xôn xao về vấn đề này, ông có nhận định gì về vấn đề này? + Ông Phạm Trọng Đạt: Dư luận thì là dư luận thôi, kể cả trong nước cũng có mà thế giới cũng có. Đó là suy nghĩ của họ. Riêng về mặt chính thức, đến nay tôi chưa nhận được bất cứ văn bản, tài liệu, nguồn nào nói rằng ông A, ông B có tài khoản nước ngoài trốn thuế giống như kiểu “tài liệu Panama”. . Nếu có thì quy trình xử lý sẽ thế nào, thưa ông? + Giả sử trong trường hợp nếu sau này mà có rửa tiền, trốn thuế thì phải xử lý theo đúng quy định, luật pháp Việt Nam. Đặc biệt là phải xử lý dứt điểm vì điều này là vi phạm pháp luật. Cái gì luật pháp không cho phép mà anh làm việc đó là vi phạm thì mình phải xử lý. Theo tôi, điều đó không có ngại vì có thì phải xử lý nhưng hiện nay thì chưa phát hiện, chưa có nguồn nào. Về quy trình, phải xác minh nguồn gốc tài sản đó ở đâu ra. Qua quá trình xác minh, thẩm định, thanh tra, điều tra thì mới có thể kết luận được tài sản đó có bất minh không. Đặt vấn đề là tài sản đó do tham nhũng mà có hay do chất xám, mồ hôi, nước mắt của người ta làm ra… |