Dưới đây là 10 sự kiện tiêu biểu trong hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam.
1. Trung ương ban hành Nghị quyết về lĩnh vực kinh tế
Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khoá XIII họp từ 3-10 đến 9-10 đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng và đã ban hành một nghị quyết, một kết luận về lĩnh vực kinh tế.
Nghị quyết 29-NQ/TW nhấn mạnh đến chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kết quả thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam giai đoạn 2011-2020; quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tầm nhìn và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu bao phủ những vấn đề lớn từ đổi mới tư duy, nhận thức cho đến hoàn thiện thể chế, chính sách và giải quyết những điểm nghẽn, khắc phục những hạn chế trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời gian qua.
Kết luận 45-KL/TW được ban hành nhằm xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ mang tính kết nối, đồng bộ, thống nhất cao, tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững góp phần đạt được các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra…
Năm 2022, Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành sáu nghị quyết về phát triển sáu Vùng chiến lược. Ảnh: VL |
2. Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết về phát triển sáu Vùng chiến lược
Năm 2022, lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành sáu nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 của sáu vùng kinh tế nhằm phát huy lợi thế của mỗi vùng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên kết vùng.
Cụ thể, Trung du, miền núi Bắc Bộ; đồng bằng sông Cửu Long; Vùng Tây Nguyên; Vùng Đông Nam Bộ; Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Vùng đồng bằng sông Hồng.
Ngoài ra tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội cũng quyết định chủ trương đầu tư năm dự án giao thông trọng điểm, tạo đột phá về hạ tầng, kết nối không gian giữa các vùng trong cả nước.
3. Ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Chính phủ ban hành Nghị quyết 138 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là lần đầu Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng dựa trên căn cứ Luật Quy hoạch; các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội... về phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong thời gian tới.
Quy hoạch xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời.
Năm 2023, Việt Nam tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia. Ảnh: HOÀNG GIANG |
4. Quốc hội ban hành Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023
Nghị quyết 68/2022 về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 được Quốc hội thông qua vào ngày 10-11. Nghị quyết quyết nghị tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh.
Nghị quyết cũng yêu cầu cần đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; quyết tâm thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, ba Chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số.
Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi…
5. Tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng
Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29-12, cho thấy ước tính GDP năm 2022 của Việt Nam tăng 8,02% so với năm 2021 (vượt mục tiêu đề ra 6 - 6,5%), đây là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt khoảng 750 tỉ USD, tăng 12,18%. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm động lực tăng trưởng, lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao.
6. Thông qua chủ trương đầu tư 12 dự án giao thông trọng điểm
Đầu tháng 1-2022, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí lên tới 146.990 tỉ đồng. Với kế hoạch xây mới 729 km, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.000 km từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ được hoàn thiện.
12 dự án này có tổng kinh phí lên tới 146.990 tỉ đồng theo hình thức đầu tư công, giải phóng mặt bằng quy mô sáu làn xe, trong đó giai đoạn 1 làm bốn làn xe; riêng đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau có quy mô bốn làn xe. Mục tiêu đặt ra sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2025 để đưa vào khai thác từ năm 2026.
Ngày 1-8, tất cả tuyến cao tốc trên cả nước đồng loạt triển khai thu phí theo hình thức thu phí tự động không dừng (ETC). Trong ảnh: Trạm thu phí Long Phước trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: KIÊN CƯỜNG - ĐH |
7. Thu phí đường bộ tự động không dừng trên toàn quốc
Ngày 1-8, tất cả tuyến cao tốc trên cả nước đồng loạt triển khai thu phí theo hình thức thu phí tự động không dừng (ETC).
Được thí điểm từ năm 2015, quá trình triển khai thu phí theo hình thức ETC gặp khó khăn với nhiều lần trì hoãn kéo dài. Việc đồng bộ triển khai thu phí theo hình thức ETC giúp nâng cao chất lượng phục vụ, giảm thời gian lưu thông, chi phí; giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; thuận tiện, minh bạch và tiết kiệm chi phí cho quản lý, giám sát...
8. Triển khai gói hỗ trợ thuế, phí lớn nhất từ trước tới nay
Trong năm 2022, toàn ngành Thuế tiếp tục triển khai các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với tổng số tiền lên tới trên 186.000 tỉ đồng.
Việc thực hiện kịp thời, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được đánh giá là có tác động tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển KT-XH trong nước.
Những tháng gần cuối năm 2022, người dân ở nhiều địa phương phải xếp hàng dài để chờ mua xăng hoặc chỉ được mua xăng theo định mức. Ảnh: NGUYỄN YÊN |
9. Chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, xăng dầu nhiều biến động
Năm 2022, VN-Index lần đầu tiên trong lịch sử có phiên vượt 1.500 điểm nhưng chỉ sau hơn nửa năm đã rơi xuống dưới 900 điểm. Biến động mạnh liên tiếp đã đưa VN-Index lọt "top" các chỉ số tăng/giảm mạnh nhất thế giới.
Trong năm, vốn hóa HoSE cũng từng thiết lập kỷ lục với hơn 6 triệu tỉ đồng vào đầu tháng Tư; trong 11 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới gần 2,5 triệu tài khoản chứng khoán, con số lớn nhất trong lịch sử 22 năm thành lập thị trường. Trong bối cảnh thị trường tăng nóng và xuất hiện tình trạng thao túng giá cổ phiếu, các cơ quan quản lý đã quyết liệt xử lý, nhằm siết chặt kỷ cương và lành mạnh hóa thị trường.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp - kênh dẫn vốn trung và dài hạn bị ảnh hưởng tiêu cực khi một số vụ án liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị khởi tố. Nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do lo ngại doanh nghiệp không trả được nợ.
Trong lĩnh vực bất động sản cũng phải đối mặt hàng loạt khó khăn khi thị trường đóng băng, ngân hàng siết tín dụng, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát vướng vòng lao lý…
Về thị trường xăng dầu, vào khoảng tháng 10, tháng 11, người dân ở nhiều địa phương phải xếp hàng dài để chờ mua xăng hoặc chỉ được mua xăng theo định mức. Thậm chí có thời điểm có tới 200/17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng nên việc này đã tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân ở nhiều địa phương.
Doanh thu của ngành kinh tế số năm 2022 ước đạt 148 tỉ USD. Ảnh: Haiquanonline |
10. Kinh tế số tăng trưởng ấn tượng
Theo Báo cáo thường niên “Nền kinh tế số Đông Nam Á” lần thứ 7 do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện và công bố, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng 28%, đạt mức 23 tỉ USD trong năm 2022. Đóng góp cho tốc độ tăng trưởng nhanh này là sự phát triển ấn tượng của thương mại điện tử với mức tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021.
Về doanh thu, theo số liệu của Bộ TT&TT, doanh thu của ngành kinh tế số năm 2022 ước đạt 148 tỉ USD, tăng hơn 10% so với năm 2021.
Về thương mại điện tử, theo số liệu của Bộ Công Thương, thương mại điện tử của Việt Nam xếp thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỉ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm năm quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.