Bộ Chính trị đưa nhiều dự án hạ tầng giao thông vào Nghị quyết 24

(PLO)- Bộ Chính trị ra nghị quyết phát triển mạnh hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Theo đó, Trung ương đánh giá tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ thời gian qua có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước. Đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp, công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch còn chậm.

Mạng lưới kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng khu vực này còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ. Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ. Tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập úng nghiêm trọng tại TP.HCM chậm được khắc phục và ngày càng nghiêm trọng.

Dự án các đường vành đai được Bộ Chính trị đưa ra mốc hoàn thành.
Dự án các đường vành đai được Bộ Chính trị đưa ra mốc hoàn thành.

Mục tiêu...

Trung ương xác định mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ phải trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; là trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.

TP.HCM phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc. Độ thị đầu tàu phía Nam phải trở thành trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực Châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng, là nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.

Tầm nhìn đến năm 2045, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới.

...Giải pháp

Để đạt được mục tiêu trên, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đưa ra nhiều giải pháp khắc phục các mặt hạn chế đã được chỉ ra. Theo đó, những năm tới sẽ xây dựng mới một số khu công nghệ thông tin tập trung tại TP.HCM và hình thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin. Thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phát triển mạnh kinh tế biển, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí và du lịch biển.

Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu được xác định là trung tâm kinh tế biển quốc gia. Tiểu vùng trung tâm gồm TP.HCM, khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương và Tây Nam tỉnh Đồng Nai là trung tâm phát triển của toàn vùng.

Nhiều dự án hạ tầng giao thông cần phải triển khai. Theo đó, đến năm 2026 phải hoàn thành đường vành đai 3 TP.HCM và mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành đường vành đai 4. Song song đó, tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo quy hoạch được duyệt như Biên Hoà - Vũng Tàu, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Gò Dầu - Xa Mát, Chơn Thành - Đức Hoà, Chơn Thành - Gia Nghĩa…

Nghị quyết cũng đưa ra yêu cầu hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến đường sắt đô thị kết nối TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành. Nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hoá Biên Hoà - Vũng Tàu kết nối với Cảng biển Cái Mép - Thị Vải, dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Trong thời gian tới, cần xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; hoàn thành di dời các cảng trên sông Sài Gòn, phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch. Đưa vào khai thác sân bay Long Thành, đầu tư mở rộng sân bay Côn Đảo và sớm khôi phục, nâng cấp sân bay Biên Hoà - Vũng Tàu thành sân bay lưỡng dụng cấp 4E.

Về đô thị, Nghị quyết 24 chủ trương phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài – TP.HCM - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á. Hạn chế tăng thêm khu công nghiệp tại các khu vực đô thị trung tâm của vùng. Phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ, thành phố sân bay Long Thành và khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương..

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm