100% công nhân không muốn tăng tuổi hưu

Ngày 24-4, Bộ LĐ-TB&XH đã công bố dự thảo lần hai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động 2012. Đáng chú ý, dự thảo lần này có phương án đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 theo hướng nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi mới được nghỉ hưu.

Vì sao phải tăng tuổi nghỉ hưu?

Cụ thể, dự thảo đưa ra hai phương án. Phương án 1: Tuổi nghỉ hưu giữ như hiện hành, nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi. Phương án 2: Tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Từ 1-1-2021 cứ mỗi năm tăng thêm sáu tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Đối với phương án này, nếu NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc, nghề nghiệp đặc thù có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn. NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá năm năm so với quy định.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết việc đưa ra phương án tăng tuổi nghỉ hưu do sáu nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là nếu tiếp tục giữ nguyên các quy định hiện nay về mức đóng - mức hưởng, thời gian đóng - thời gian hưởng thì quỹ hưu trí và tử tuất sẽ mất cân đối trong dài hạn.

Bên cạnh đó, tuổi thọ bình quân khi sinh của người Việt Nam những năm gần đây đã tăng nhiều so với giai đoạn trước (73 đối với nam, 75 đối với nữ), có nghĩa là thời gian hưởng lương hưu cũng tăng. Thực tiễn, nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu làm việc thêm và họ vẫn có đủ sức khỏe tham gia lao động tiếp. Vì vậy, việc nâng tuổi nghỉ hưu là có thể thực hiện được.

Ngoài ra, dân số Việt Nam đang chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số. Việc đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu cũng là chuẩn bị cho tương lai sau này của lực lượng lao động…

Việc tăng hay giữ nguyên tuổi nghỉ hưu vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Ảnh: HTD

Người lao động không muốn tăng tuổi hưu

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCMngày 24-4 về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nói trên, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết: “Trong quá trình soạn thảo dự thảo, việc tăng hay giữ nguyên tuổi nghỉ hưu vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam là riêng khu vực sản xuất trực tiếp không được điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Còn khu vực hành chính sự nghiệp phải tùy từng ngành, nghề để điều chỉnh cho phù hợp, như điều dưỡng, hộ lý, đặc biệt là giáo viên tiểu học, mầm non... không thể tăng tuổi nghỉ hưu bởi cô giáo 60 tuổi sao múa cho trẻ em được...”.

Cũng theo ông Chính, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải tính đến tác động kinh tế-xã hội đất nước, không thể so sánh nước ngoài với Việt Nam. “NLĐ các nước trên thế giới họ làm việc bằng tự động hóa, hoạt động cơ bắp ít. Trong khi NLĐ Việt Nam ở các ngành dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản... 30 hoặc 35 tuổi bị cho nghỉ rồi thì làm sao kéo dài được đến tuổi nghỉ hưu” - ông Chính nói.

Đồng quan điểm, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân, cho rằng đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ LĐ-TB&XH hơi nóng vội. Bởi vì Việt Nam đang trong quá trình phục hồi nền kinh tế sau nhiều cú sốc, đây là thời điểm để nền kinh tế đứng dậy. Do đó cần theo dõi tình hình kinh tế-xã hội của năm 2017, 2018, khi nền kinh tế tăng trưởng cao hơn, hệ thống an sinh xã hội tốt hơn thì mới bàn đến chuyện tăng tuổi nghỉ hưu, giờ chưa nên bàn.

Theo ông Thọ, báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH hiện nay có 300.000 NLĐ có trình độ ĐH, trên ĐH thất nghiệp. “Nếu chúng ta đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu không khác gì nói với các em “cứ chờ thêm vài năm nữa, khi các bác nghỉ hưu thì các em vào làm việc”. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng 4.0 (cách mạng công nghiệp) sắp tới phù hợp với lứa tuổi các em chứ không phải người sắp hết tuổi lao động” - ông Thọ nhấn mạnh.

Theo khảo sát của Viện Công nhân, 100% công nhân không muốn tăng tuổi hưu, thậm chí còn muốn giảm tuổi hưu xuống. Những người muốn tăng tuổi nghỉ hưu theo ông Thọ là công chức, những người có công việc nhẹ và lương bổng cao. “Bây giờ một số công chức ngồi một chỗ lãnh tiền lương, bổng lộc quá sướng, còn về hưu hưởng 75% tiền lương hưu thì ai muốn...” - ông Thọ khẳng định.

“Đi thực tế tại các khu công nghiệp và cảm nhận được sự cực khổ của NLĐ nên tôi hiểu được NLĐ cần gì. Tôi đã gần 60 tuổi, kéo dài tuổi làm việc tôi cũng có lợi. Nhưng không phải vì bản thân, một số ít người mà chúng ta làm cho lớp trẻ không có việc làm...” - ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân, chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới