PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC BHXH VIỆT NAM TRẦN ĐÌNH LIỆU:

Tăng tuổi hưu, người lao động hưởng nhiều cái lợi

Liên quan đến đề xuất tăng tuổi hưu gây xôn xao dư luận mấy ngày qua, ngày 14-10, trao đổi với báo chí, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết: “Dự kiến trong năm 2017, Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp nhằm ứng phó với tình trạng già hóa dân số và nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH…”.

Ở ta hưởng nhiều chế độ BHXH hơn nước ngoài?

. Phóng viên: Nguyên tắc của quỹ BHXH là đóng - hưởng, vậy tại sao lại phải tính toán tăng tuổi hưu vì lo mất cân đối quỹ, thưa ông?

+ Ông Trần Đình Liệu: Nguyên nhân là do mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH còn khoảng cách lớn với mức tiền lương, tiền công thực tế của người lao động (NLĐ, theo kết quả điều tra, con số này mới chỉ bằng 66% tiền lương, tiền công thực tế).

Bên cạnh đó, tính tuân thủ các quy định về đóng BHXH của doanh nghiệp còn thấp, tình trạng nợ, chậm đóng BHXH còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ BHXH.

. Có ý kiến cho rằng mức đóng BHXH của Việt Nam hiện đang cao so với một số nước trong khu vực?

+ Đúng là Việt Nam có tỉ lệ đóng BHXH tương đối cao trong khu vực. Nhưng nếu so về số tuyệt đối thì lại thấp hơn, vì trên thực tế hầu hết doanh nghiệp chỉ đóng BHXH cho NLĐ theo mức lương tối thiểu vùng (chỉ bằng hơn 66% thu nhập thực tế). Điều này làm ảnh hưởng đến mức lương hưu của NLĐ về sau. Vì nguyên tắc của BHXH là “có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp” và tiền đóng BHXH của NLĐ là khoản để dành, được Nhà nước bảo hộ.

Nhìn ra các nước, mức đóng BHXH của Thái Lan chỉ 5% nhưng Thái Lan quy định NLĐ chỉ được hưởng ba chế độ (lương hưu, trợ cấp tai nạn và trợ cấp tuất). Thậm chí lương hưu ở Thái Lan cũng chỉ bằng 20% mức đóng BHXH.

Trong khi đó, NLĐ ở nước ta được hưởng nhiều chế độ với mức hưởng cao như hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất. Riêng mức hưởng lương hưu hằng tháng bằng 75% tiền đóng BHXH. Nếu người đóng không may qua đời, không kịp hưởng thì người thừa kế vẫn được hưởng. Khi giá trị sức mua của tiền lương hưu bị giảm sút do chỉ số giá tiêu dùng tăng, Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng lương hưu để bảo đảm đời sống cho người nghỉ hưu.

Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, đang trả lời báo chí về vấn đề tăng tuổi hưu. Ảnh: VIẾT LONG

Tăng tuổi hưu là giải pháp khả thi lúc này

. Nếu vẫn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu hiện tại (nữ 55 và nam 60) hoặc tăng tuổi nghỉ hưu cán cân quỹ BHXH sẽ thay đổi như thế nào trong những năm tới?

+ Bài toán này đã được tính rất cụ thể. Kết dư quỹ BHXH đang giảm dần. Nếu không nâng tuổi hưu thì đến năm 2037 mức thu, bao gồm cả kết dư quỹ, sẽ bằng mức chi, sau đó sẽ phải lấy ngân sách bù vào.

Theo công thức từ năm 1995, tuổi thọ trung bình của người dân là 67. Thời gian đóng BHXH trung bình của Việt Nam đang là 25 năm và đến qua 54 tuổi là nghỉ hưu, như vậy NLĐ được hưởng mức lương hưu kéo dài 13 năm. Nay tuổi thọ trung bình tăng lên 73, vậy NLĐ sẽ được hưởng lương hưu kéo dài tới 19 năm, rõ ràng đang mất cân đối sáu năm. Nếu điều chỉnh tăng thêm tuổi nghỉ hưu như đề xuất trên thì khoảng hụt sẽ chỉ còn khoảng 1,5-2 năm thay vì sáu năm.

. Vậy việc tăng tuổi có phải là giải pháp duy nhất để cân đối quỹ không, thưa ông?

+ Theo Luật BHXH, nếu quỹ BHXH có nguy cơ mất cân đối thì Nhà nước sẽ có giải pháp. Cụ thể, điều chỉnh tăng mức đóng và giảm quyền lợi hưởng, tăng thời gian đóng, cuối cùng là tăng tuổi nghỉ hưu. Trong ba phương án, việc tăng tuổi nghỉ hưu là khả thi vì các phương pháp còn lại không phù hợp khi nền kinh tế đang gặp khó khăn.

“Không thể nói NLĐ phản ứng”

. Vậy cụ thể tăng tuổi nghỉ hưu thì NLĐ được lợi gì và nó tác động như thế nào đến nền kinh tế?

+ Việt Nam sắp qua giai đoạn “dân số vàng” và bước vào thời kỳ già hóa dân số. Nếu không có bước chuẩn bị sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực cung ứng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, hiện tại chúng ta đang thiếu lực lượng lao động có chất lượng cao. Nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn tới lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đối với NLĐ, khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, một bộ phận NLĐ có cơ hội kéo dài thời gian làm việc, cống hiến và tham gia BHXH. Như thế sau này có lương hưu cao hơn, giúp họ tránh gặp khó khăn về tài chính khi bước vào giai đoạn tuổi già.

Tất nhiên, việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể sẽ ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của một bộ phận lao động trẻ nhưng cũng chỉ một vài năm đầu, sau đó khi đã cân bằng người vào, người ra khỏi hệ thống BHXH thì sẽ không còn tình trạng đó.

.Việc tăng tuổi nghỉ hưu có lợi cho NLĐ, vậy tại sao NLĐ lại phản ứng?

+ Hiện chưa có khảo sát nào để chứng minh phần lớn NLĐ không đồng tình việc tăng tuổi nghỉ hưu nên không thể nói NLĐ phản ứng tăng tuổi nghỉ hưu.

. Xin cám ơn ông.

“Tỉ lệ đóng thấp hơn tỉ lệ hưởng”

Theo ông Trần Đình Liệu, mức đóng BHXH hiện nay là 24% (trong đó hưu trí, tử tuất 22%) nhưng khi về già lại hưởng lương hưu bắt đầu với mức 54% (tổng số tiền các năm đóng BHXH) và mỗi năm tăng khoảng 2%, đến mức tối đa là 75%. Như vậy, tỉ lệ đóng của NLĐ thấp hơn tỉ lệ hưởng. Với thời gian đóng BHXH như Việt Nam, các nước chỉ cho hưởng lương hưu 40%-60%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm