Tăng tuổi hưu vì lo hụt quỹ hưu trí

Liên quan tới việc dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu theo các phương án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012, Bộ LĐ-TB&XH đã có các lý giải về căn cứ của đề xuất này.

Tăng do tuổi thọ cao hơn, nhu cầu làm việc nhiều hơn?

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng căn cứ đầu tiên là theo số liệu thống kê cho thấy tuổi thọ bình quân của dân số Việt Nam ngày càng tăng cao. Nếu như năm 1961, tuổi thọ bình quân của dân số Việt Nam là 40 tuổi, đến nay tuổi thọ bình quân của dân số Việt Nam đã tăng lên 73 tuổi (tăng 33 tuổi). Tuy nhiên, tuổi nghỉ hưu của Việt Nam được quy định từ năm 1961 đến nay vẫn không thay đổi.

Mặt khác, kết quả một số cuộc điều tra, khảo sát cho thấy rất nhiều người lao động (NLĐ) sau khi nghỉ hưu lại tiếp tục đi làm việc, thậm chí nhiều trường hợp NLĐ sau khi làm thủ tục hưởng lương hưu lại ký hợp đồng lao động với chính cơ quan, đơn vị cũ.

Bộ này cũng cho rằng năm 2007 Việt Nam bước vào giai đoạn “dân số vàng” nhưng đến năm 2011 bắt đầu bước vào giai đoạn “già hóa dân số”. Thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già của Việt Nam ngắn hơn nhiều nước, kể cả những nước có trình độ phát triển hơn. Nếu như nước Mỹ, Canada phải mất 65 năm để bước từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già; thời gian này của Anh, Tây Ban Nha là 45 năm; Trung Quốc, Nhật Bản là 26 năm thì Việt Nam chỉ mất khoảng 17-20 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già.

Bên cạnh đó, việc tăng tuổi hưu, theo Bộ LĐ-TB&XH là phù hợp với Công ước Cedaw 1979 và Luật Bình đẳng giới.

Trước đây, nhiều nước trên thế giới đều quy định tuổi nghỉ hưu của nữ thường thấp hơn tuổi nghỉ hưu của nam. Vì vậy, việc điều chỉnh khoảng cách về tuổi nghỉ hưu của nam và nữ đang là xu hướng mà nhiều nước đang lựa chọn. Tuy nhiên, việc điều chỉnh khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ nhằm đảm bảo sự bình đẳng giới, bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) ở một số nước trên thế giới thường gặp phải sự phản ứng do những quan niệm khác nhau về quyền bình đẳng giữa nam và nữ.

Số người đóng BHXH cho một người hưởng giảm dần theo các năm. (nguồn: Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH)

Quỹ hưu trí khó cân đối về lâu dài

Đáng chú ý, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng quỹ hưu trí và tử tuất không đảm bảo cân đối trong dài hạn. Khi xây dựng Luật BHXH năm 2014,  Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo với các chính sách hiện hành (trước năm 2016) thì quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 sẽ có phần thu trong năm không đủ chi cho năm đó. Để đảm bảo khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu.

Theo Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến mất cân đối quỹ BHXH, thứ nhất là do việc đóng-hưởng BHXH còn mất cân đối, mức đóng chưa tương ứng với mức hưởng. Cụ thể, tỉ lệ đóng góp vào quỹ hưu trí và tử tuất còn thấp so với mức hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH còn khoảng cách lớn với mức tiền lương, tiền công thực tế của NLĐ (theo kết quả điều tra, con số này mới chỉ bằng 66% tiền lương, tiền công thực tế).

Luật BHXH năm 2014 đã có những điều chỉnh nhằm đảm bảo tốt hơn nguyên tắc đóng-hưởng, khắc phục được một phần mất cân đối của quỹ. Tuy nhiên, do những điều chỉnh đều có lộ trình khá dài (20 năm, 30 năm sau mới tác động đến quỹ như quy định tính bình quân toàn bộ quá trình đóng BHXH đối với NLĐ thuộc khu vực nhà nước; điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH…) nên mức độ tác động đến quỹ là khá chậm.

Bộ LĐ-TB&XH cũng cho hay kinh nghiệm của các nước trên thế giới, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những giải pháp các nước lựa chọn đối phó với sự mất cân đối của quỹ hưu trí. Đặc biệt, đây là giải pháp hiệu quả các nước sử dụng để hạn chế tác động của già hóa dân số.

Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu phải tính toán khoa học. “Trước tiên, phải khẳng định tiền nộp vào quỹ BHXH chính là của để dành của NLĐ. Nguyên tắc của quỹ BHXH là đóng-hưởng. Bên cạnh đó, NLĐ phải được hưởng mức lương lúc về hưu đảm bảo được mức sống tối thiểu. Nếu chúng ta không cân đối, tính toán kỹ khi về hưu NLĐ không có lương hưu hoặc có nhưng không đủ sống thì rõ ràng chính sách của chúng ta chưa đạt yêu cầu. Cho nên bây giờ đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu hay không nâng, nâng lên bao nhiêu và quỹ đó có vỡ hay không phải tính toán khoa học...” - ông Lợi nhấn mạnh.

__________________________________

2,5% là tỉ lệ tính hưởng lương hưu bình quân của nam cho một năm đóng, của nữ là 3%. Tỉ lệ này được coi là quá cao so với bình quân các nước trên thế giới là 1,7%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm