1.000 đại biểu sẽ tham dự diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023

(PLO)-  Trong năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp nhiều thách thức khi trong nước đối diện áp lực lạm phát, các nền kinh tế hàng đầu thế giới được dự báo tăng trưởng còn thấp hơn năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong năm 2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng cả giai đoạn 2021-2022 chỉ tăng bình quân xấp xỉ khoảng 5,2% thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra cho cả giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, năm 2023 được xác định là năm bản lề quyết định khả năng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021-2025.

Nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ trên cuối tuần này (17-12), Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Chính phủ tổ chức diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”.

Thách thức cho Việt Nam có cao hơn năm 2022 ?

Để đặt mục tiêu tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm sau, trước tiên phải nhìn nhận bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể ở đây là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột Nga - Ukraine kéo dài, lạm phát thế giới tăng cao.

Các nước đang xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa, đặc biệt là hậu quả của COVID-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; rủi ro tài chính, tiền tệ, mất an ninh năng lượng, lương thực đang hiện hữu…

Nền kinh tế trong nước sẽ đối diện nhiều thách thức trong năm 2023. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nền kinh tế trong nước sẽ đối diện nhiều thách thức trong năm 2023. Ảnh: HOÀNG GIANG

Điều này càng được chứng minh khi nền kinh tế lớn thế giới là Mỹ được dự báo sẽ bước vào suy thoái kinh tế từ cuối năm 2022, với mức tăng trưởng dự kiến trong năm nay chỉ 1,6%. Trung Quốc và Nhật Bản và các nước EU cũng lần lượt tăng trưởng giảm ở mức 1,7 đến 3,1%. Điều này dẫn tới dự báo tăng trưởng trong năm 2023 của các nước EU và Mỹ vô cùng thấp, chỉ lần lượt ở mức 0,5% và 1%.

Nhìn trong nước, ở góc độ nội lực có thể thấy sản xuất của Việt Nam hiện chủ yếu là gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp; khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu. Công nghiệp hỗ trợ và năng lực doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng yêu cầu để thu hút các ngành công nghệ tiên tiến và thúc đẩy liên kết có hiệu quả.

Việt Nam xếp hạng 105/137 về số lượng nhà cung ứng nội địa và 116/137 về chất lượng nhà cung ứng nội địa, kém hơn nhiều so với các nước trong khu vực như: Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines; Tỉ lệ nội địa hóa chưa cao, bình quân chỉ đạt 20-25%.

Hầu hết các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước là nhà cung cấp cấp 3 hoặc cấp 4, với các sản phẩm đơn giản, linh kiện và vật tư có giá trị thấp. Chẳng hạn như như bao bì và các chi tiết đơn giản.

Qua đó có thể nhận thấy nền kinh tế Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài, trong khi vốn của các nhà đầu tư FDI chủ yếu là vốn vay. Nguồn vốn nước ngoài cũng chỉ các nước châu Á (chiếm 75,7% tổng vốn đăng ký). Và hiện chỉ khoảng 100 tập đoàn trong danh sách 500 tập đoàn hàng đầu thế giới có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, một con số khiêm tốn để có thể dựa vào.

Áp lực gia tăng cho nền kinh tế

Những tháng cuối năm 2022, dễ dàng nhận thấy trong nước xuất hiện một số rủi ro như áp lực lạm phát gia tăng; doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản do một số vấn đề trên thị trường vốn, thị trường chứng khoán; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực.

Đi vào cụ thể từng nhóm ngành cũng dễ nhận ra không ít doanh nghiệp trong nước vừa qua bị cắt giảm đơn hàng. Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… hàng nghìn lao động được thông báo nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn, giãn hợp động lao động.

Những tháng cuối năm nhiều lao động phải giãn hợp đồng lao động do đơn hàng ít. Ảnh: V.LONG

Những tháng cuối năm nhiều lao động phải giãn hợp đồng lao động do đơn hàng ít. Ảnh: V.LONG

Theo ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, số lao động bị cắt giảm này chủ yếu là lao động phổ thông tại những mặt hàng có thị trường xuất khẩu ở Châu Âu như dệt may, da giày; ngành điện, điện tử; một số doanh nghiệp thuộc ngành gỗ…

“Điều này cho thấy khi có biến động về dịch bệnh hay suy thoái kinh tế thì lao động phổ thông, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất…”- ông Thanh nhận định.

Đối với thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM khẳng định hiện thị trường bất động sản đang rất khó khăn, đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả. Song song đó doanh nghiệp bất động sản cũng cần nỗ lực tái cấu trúc, tái cơ cấu hướng đến nhu cầu thực của thị trường bất động sản.

“Bởi lẽ hiện nay, đã có một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn, lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí bị lỗ; một số cổ phiếu bất động sản “nằm sàn”, đặc biệt là “rủi ro” bị sụt giảm sâu thanh khoản, có thể bị mất thanh khoản…”- ông Châu nói.

Trước những khó khăn ấy, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Australia tại Việt Nam, cho rằng vừa qua Quốc hội Việt Nam đặt sự ổn định kinh tế vĩ mô thành trọng tâm của hoạch định chính sách. Nên theo ông trong thời gian tới cần đặt mục tiêu và có những chính sách để có thể kiểm soát tốt được tỉ lệ thất nghiệp, kiềm chế đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Từ đó, tăng trưởng GDP sẽ được đảm bảo.

Với những gợi ý trên, diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ năm cần tiếp tục nhận diện được những cơ hội, rủi ro và thách thức trong nước và từ bên ngoài, mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt. Qua đó giải bài toán cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 như chủ đề của nó là để “vững vàng vượt qua thách thức”.

1.000 đại biểu tham dự diễn đàn

Diễn đàn kinh tế lần thứ 5 có sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các doanh nghiệp, hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia trong nước và quốc tế

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm