1.000 dự án bất động sản trị giá 800.000 tỉ đồng đang nằm chờ

(PLO)- Hội Môi giới BĐS Việt Nam nêu ra con số khoảng 1.000 dự án bất động sản trên cả nước đang nằm chờ điều chỉnh, xem xét, phê duyệt.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-6, Hội Môi giới BĐS Việt Nam đã tổ chức buổi Tọa đàm Môi giới bất động sản (BĐS) và sứ mệnh vực dậy niềm tin thị trường BĐS Việt Nam tại TP.HCM.

Hàng ngàn dự án bất động, chờ gỡ vướng

“Hiện nay, thống kê có tới hàng ngàn dự án "đắp chiếu", cả nước có khoảng 1.000 dự án phải nằm chờ việc điều chỉnh, xem xét, phê duyệt, giá trị các dự án này khoảng 800.000 tỉ đồng (30 tỉ USD). Số dự án này nếu được kích hoạt trở lại sẽ tạo ra thị trường và thúc đẩy kinh tế rất tốt” - ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch hội môi giới BĐS Việt Nam phát biểu trong tọa đàm chiều 6-9.

Riêng ở TP.HCM, thống kê của Hiệp hội BĐS TP.HCM có khoảng trên dưới 150 dự án cần được tháo khó khăn, pháp lý.

Theo ông Đính, ngoài hàng ngàn dự án khó khăn thì thống kê của hội cho thấy có hàng vạn môi giới đang mắc cạn, không bán được hàng, rồi chủ đầu tư cũng trong tình trạng tương tự.

“Tôi rất trăn trở khi số lượng môi giới phải nghỉ việc, chuyển nghề quá lớn và tình hình khá nghiêm trọng. Số môi giới gặp khó khăn phần lớn là môi giới dự án BĐS hình thành trong tương lai” - ông Đính nói.

Ông Phạm Lâm, CEO DKRA cũng nêu thực tế TP.HCM và khu vực lân cận, trong quý I-2023, nguồn cung sụt giảm 60 đến 65%, tỉ lệ thanh khoản trên dưới 25%. BĐS du lịch, condotel đang có nguồn cung rất thấp. Riêng tháng 5, TP.HCM phân khúc căn hộ, biệt thự sụt giảm 92% so với tháng 4, tỉ lệ thanh khoản chỉ có trên dưới 5%.

"Thị trường đang bước vào giai đoạn cực kỳ thách thức vì các yếu tố như liên quan pháp lý, các chủ đầu tư chưa mạnh dạn ra hàng do sức cầu yếu. Tháng 3, 4 năm nay chứng kiến cảnh người mua chưa quay lại thị trường mạnh mẽ. Trong khi đó tín dụng BĐS dù có chỉ đạo rất quyết liệt về giảm lãi suất nhưng các lãnh đạo ngân hàng cho biết cũng chưa thể giảm ngay lãi suất cho vay, dẫn đến người mua BĐS vẫn ít" - ông Lâm nói.

Thị trường bất động sản còn rất nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: K.C

Thị trường bất động sản còn rất nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: K.C

Giải pháp đi qua mùa đông

"Trước đây, toàn hệ thống chúng tôi có 7.000 nhân viên môi giới có trả lương, chưa tính cộng tác viên. Sau đó, chúng tôi tái cấu trúc, tinh lọc, làm gọn hệ thống. Giữa năm trước đến nay cắt giảm hơn 60% nguồn lực nhân viên kinh doanh" - bà Phạm Thị Nguyên Thanh – Tổng giám đốc Đất Xanh Services nêu giải pháp của doanh nghiệp.

Theo bà Thanh, giai đoạn vừa qua, nghề môi giới đang đắm chìm trong cơn "đại hồng thủy", không đơn vị nào thật sự khỏe mạnh. Giải pháp để doanh nghiệp đi qua mùa đông là phải làm một loạt hoạt động tái cấu trúc, sâu sát từ cấp độ tập đoàn đến công ty con.

"Chúng tôi tái cấu trúc đợt 1, rồi đợt 2, đợt 3. Hệ thống có điều chỉnh thu hẹp ngành nghề, quy mô, ngành nghề nào được lựa chọn cũng cân nhắc, các phòng ban đang hoạt động hiệu quả nhưng không cấp thiết cũng bị cắt giảm. Cần tối ưu cả tài chính lẫn con người, mô hình thiên về định phí chuyển qua mô hình biến phí và phải chuyển đổi rất nhanh, để giữ cho thuyền nhẹ nhất mà đi" - bà Thanh ví von.

Bà Đặng Phương Hằng – Tổng giám đốc CBRE Việt Nam chia sẻ thêm không riêng Việt Nam, các thị trường BĐS xung quanh đều bị ảnh hưởng sau dịch. Đơn cử như Thái Lan sau dịch ảnh hưởng nặng nề vì trước đây người mua BĐS Thái là người nước ngoài, khi dịch COVID-19 thì họ không sang được nên dự án căn hộ cũng không thể bán.

"Thái Lan lại không bị những vấn đề khác liên quan pháp lý, nguồn vốn tài chính, CBRE Thái Lan phải làm rất nhiều hoạt động để khách quay lại Thái Lan. Còn ở Việt Nam, chúng tôi cũng mở rộng sang thị trường thứ cấp vì thị trường này đang có nhu cầu hơn" - bà Hằng phân tích.

Bà Hằng cho biết hiện khách hàng người nước ngoài đến từ thị trường châu Á, châu Âu, Trung Đông mua BĐS để đầu tư đang có xu hướng chuyển hướng tìm kiếm các sản phẩm phía Bắc vì giá hấp dẫn hơn TP.HCM và cũng có nhiều hàng hơn.

"Chúng tôi phải liên tục tìm hướng đi mới cho mình, mỗi đơn vị muốn vượt khó khăn cũng cần phải có hướng đi riêng phù hợp đơn vị mình trong lúc này" - bà Hằng nêu giải pháp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm