10.000 đồng/tấn, doanh nghiệp xếp hàng mua tro xỉ

Trong khi một số nhà máy nhiệt điện than đang “đau đầu” với bài toán xử lý tro xỉ và lo ngại ảnh hưởng đến môi trường thì ở đây lại diễn ra thực cảnh doanh nghiệp, hộ kinh doanh xếp hàng, tranh nhau mua tro xỉ để tái sản xuất.

Biến tro xỉ thành sản phẩm có ích

Giá tro xỉ dao động theo chất lượng từ 10.000 – 18.000 đồng/tấn

Dẫn chúng tôi ra bãi tro xỉ cách nhà máy nhiệt điện khoảng hơn 3km, ông Trần Hữu Nam, Chủ tịch HĐQT TPC Hải Phòng chia sẻ, mỗi năm nhà máy nhiệt điện này thải ra khoảng 1 triệu tấn tro xỉ, với diện tích bãi chứa chỉ sử dụng trong 10 năm, nếu không có chỗ tiêu thụ thì sẽ rất căng thẳng cho công ty. Thế nhưng với đặc thù ở miền Bắc, tro xỉ này sẽ được sử dụng cho quá trình sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, gạch không nung nên câu chuyện tro xỉ đã được công ty giải quyết gọn gàng.

“Ban đầu khi dự án mới đưa vào vận hành chưa có hướng xử lý tro xỉ nên đó là vấn đề nóng bỏng. Nhưng sau khi có chủ trương, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Bộ Công Thương, chúng tôi đã tập trung xử lý theo hướng biến tro xỉ này thành một sản phẩm có ích cho xã hội chứ không gây ô nhiễm nữa. Khi ấy rất nhiều đơn vị đã đặt vấn đề bao tiêu tro xỉ”- ông Nam chia sẻ.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Thường Quang, Tổng giám đốc TPC Hải Phòng cho biết, hiện có 4 đơn vị ký hợp đồng “thầu” 1 xi lô để cung cấp tro bay cho các đơn vị tiêu thụ làm vật liệu xây dựng. Công ty cũng đã ký hợp đồng với 8 đơn vị trong đó có 2 đơn vị đang bao tiêu tại hồ chứa để trộn vật liệu cho nhà máy xi măng.

Tranh nhau mua tro xỉ để tái sản xuất  

Khi được hỏi giá bán tro xỉ ra sao và lợi nhuận thế nào trong khi nhiều nơi cho không tro xỉ cũng không ai lấy? Ông Nam cười và thông tin, chúng tôi không đặt vấn đề doanh thu từ tro xỉ này mà chủ yếu để làm sao có đơn vị họ thu mua để giải quyết, tiêu thụ. Giá bán có thể dao động theo chất lượng tro xỉ từ 10.000 – 18.000 đồng/tấn. “Mức giá này chủ yếu để động viên, khuyến kích doanh nghiệp tiêu thụ bởi họ cũng cần phải bỏ ra nhiều chi phí như đầu tư xe bồn, vệ sinh môi trường… Lúc đầu nhà máy cũng bán tự do, xuất hiện tình trạng tranh giành nhau. Sau đó nhà máy đưa ra chính sách bao tiêu, chỉ thu gọn lại ở những nhà thầu có năng lực. Họ tự đi tìm hiểu thị trường và có trách nhiệm tiêu thụ hết. Không còn hiện tượng tranh mua tranh bán, lộn xộn nữa”- ông Nam chia sẻ kinh nghiệm.

Câu chuyện xử lý môi trường với các dự án nhiệt điện than hiện nay đang là vấn đề nóng bỏng được dư luận quan tâm. Đặc biệt làm thế nào để tro xỉ không phát tán ra ngoài môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất, cuộc sống người dân xung quanh khiến các chủ đầu tư trăn trở.

Ông Trần Hữu Nam cho rằng, nhiệt điện than đã xuất hiện ở miền Bắc từ lâu trong khi các dự án ở miền Nam mới triển khai những năm gần đây nên có thể người dân chưa quen với quy trình hoạt động của nhà máy.

"Ở phía Bắc nhiệt điện than đã có từ lâu đời, thị trường biết tới tro bay từ lâu và có hướng sử dụng. Nhất là các nhà máy xi măng sử dụng tro xỉ làm nguyên liệu sản xuất. Ở miền Bắc, công nghiệp xi măng phát triển, quanh các dự án nhiệt điện đều có nhiều nhà máy xi măng như Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương,… Bên cạnh đó, trong ngành công nghiệp xây dựng, người ta còn thêm tro xỉ vào trộn bê tông để tăng hoạt tính của bê tông lên”-  ông Nam nói.

Trong khi đó, ở các tỉnh phía Nam, các nhà máy nhiệt điện thường xa nơi tiêu thụ tro xỉ, điều này khiến chi phí vận chuyển sẽ tăng lên. Cùng với đó, ở những khu vực này còn ít nhà máy xi măng, gạch ngói nên khó khăn đầu ra cho tro xỉ.

 

TPC Hải Phòng có hai nhà máy với tổng công suất theo thiết kế là 1200MW, gồm 4 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 300MW. Sản phẩm điện năng khoảng 589.000.000 kWh/tháng. Nhà máy sử dụng lò than phun, loại lò đốt gián tiếp, toàn bộ thiết bị có công nghệ tiên tiến, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật giảm thiểu tác động xấu gây ô nhiễm môi trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm