1. Công bố nội dung đăng ký kinh doanh
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải công bố nội dung đăng ký kinh doanh trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, doanh nghiệp có thể bị phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng và buộc phải công bố nội dung đăng ký kinh doanh trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định.
Doanh nghiệp liên hệ khắc dấu và đăng ký mẫu dấu tại Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Doanh nghiệp chỉ được sử dụng con dấu sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu. Việc sử dụng con dấu khi chưa có Giấy chứng nhận này bị phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng và bị thu hồi con dấu.
3. Đăng ký thuế
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày được cấp GCNĐKKD (Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc Giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp phải liên hệ cơ quan thuế để đăng ký thuế. Doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 400 ngàn đồng đến 2 triệu đồng tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
4. Gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính
Doanh nghiệp phải gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính và tại chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có). Trường hợp không thực hiện, doanh nghiệp bị phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng và buộc phải gắn tên doanh nghiệp theo quy định.
5. Thông báo thời gian mở cửa
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được cấp GCNĐKKD, doanh nghiệp phải thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính với cơ quan đăng ký kinh doanh.
6. Giấy phép con
Đối với những ngành nghề kinh doanh mà pháp luật quy định phải có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh,… gọi chung là giấy phép con, doanh nghiệp phải xin phép và chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
7. Thực hiện góp vốn theo cam kết
Tùy từng loại hình doanh nghiệp mà doanh nghiệp thực hiện việc góp vốn như sau:
- Đối với công ty TNHH (Trách nhiệm hữu hạn): Chủ sở hữu hoặc các thành viên phải góp vốn đầy đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết.
- Đối với công ty cổ phần: Các cổ đông sáng lập có nghĩa vụ thanh toán đủ số cổ phần cam kết mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày doanh nghiệp được cấp GCNĐKKD.
Trường hợp không góp đủ và đúng hạn số vốn đã đăng ký, doanh nghiệp bị phạt từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng và buộc đăng ký giảm vốn điều lệ đối với công ty TNHH hai thành viên (sau đây gọi tắt là công ty TNHH 2 TV) trở lên, hoặc buộc góp đủ số vốn như đã đăng ký đối với các loại hình doanh nghiệp khác.
8. Cấp giấy chứng nhận phần vốn góp
Công ty TNHH 2 TV trở lên phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tại thời điểm góp vốn. Trường hợp không cấp, doanh nghiệp bị phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
9. Sổ đăng ký thành viên và sổ đăng ký cổ đông
Doanh nghiệp phải lập và lưu giữ sổ đăng ký thành viên (đối với công ty TNHH 2 TV trở lên) hoặc sổ đăng ký cổ đông (đối với công ty cổ phần). Doanh nghiệp không thực hiện bị phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng và buộc lập sổ đăng ký thành viên, sổ đăng ký cổ đông theo quy định.
10. Thông báo về tiến độ góp vốn
Công ty TNHH 2 TV trở lên phải thông báo bằng văn bản tiến độ góp vốn đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cam kết góp vốn. Công ty cổ phần phải thông báo việc góp vốn cổ phần đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp GCNĐKKD. Trường hợp không thông báo, doanh nghiệp bị phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng và buộc thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh các nội dung theo quy định.
11. Thành lập Ban kiểm soát
Công ty TNHH có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát. Công ty cổ phần có trên 11 cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải có Ban kiểm soát . Trường hợp doanh nghiệp không thành lập Ban kiểm soát thì bị phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng và buộc thành lập Ban kiểm soát theo quy định.
Theo Công ty Luật PLF (DNSG)