Sau khi đổ bộ vào các huyện Hải Hà, Đầm Hà, Móng Cái (Quảng Ninh), rạng sáng 17-9 bão số 3 đi sâu vào các tỉnh miền núi Đông Bắc Bộ, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và vùng áp thấp. Các cơn mưa lớn do hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại nặng cho nhiều địa phương.
Thiệt hại về người nghiêm trọng nhất trong ngày 17-9 diễn ra tại tỉnh Lạng Sơn. Vụ sạt lở đất xảy ra lúc rạng sáng tại khu lán tạm thuộc thôn Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng và xã Phá Xá (đều thuộc huyện Cao Lộc) đã làm sáu người thiệt mạng gồm Dương Công Báo, Dương Công Oai, Dương Công Nhạt, Hoàng Doãn Đô (đều trú xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn), Hoàng Văn Đồng, Hoàng Văn Đô (trú Na Rì, Bắc Kạn).
Người dân thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh chạy lũ ngày 17-9. Ảnh: CTV
Mưa to khiến cây si trăm tuổi bên bờ Hồ Gươm bật gốc. Ảnh: V.THỊNH
Ông Nguyễn Đình Dương, Chỉ huy trưởng phụ trách thi công gói thầu số 2 đường nội bộ cửa khẩu Hữu Nghị (cách khu vực sạt lở khoảng 100 m), cho biết: Vụ tai nạn xảy ra khoảng 2 giờ sáng. Lúc anh Dương huy động được anh em trong công trường cùng lực lượng biên phòng đến hỗ trợ thì ngôi nhà tạm đã sập hoàn toàn. Lúc đó lại mất điện nên việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Tới 3 giờ sáng, tại thôn Thâm Mò, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn lại xảy ra sạt lở đất gây đổ tường nhà chị Lâm Thị Ngọc khiến con của chị Ngọc là cháu Hà Thị Thanh Tâm (mới năm tuổi) tử vong. Còn tại huyện Bình Gia, một học sinh lớp 3 không may bị nước cuốn.
Theo thống kê, tính đến chiều 17-9 bão số 3 đã khiến 11 người chết (trong đó, Lạng Sơn tám người chết, Hà Nội hai người chết do điện giật, cây đổ; Nghệ An một người chết).
Chiều 17-9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 nhiều địa phương khu vực miền núi Đông Bắc đã có mưa lớn. Những ngày tới khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên rất cao. Từ ngày 17 đến 19-9, trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ lớn.
NHÓM PV
Các địa phương thiệt hại nặng - Tỉnh Quảng Ninh thiệt hại về tài sản ước tính hơn 20 tỉ đồng. Trên 150 ngôi nhà hư hỏng; 5.100 ha lúa, hoa màu hư hại; 20 cột điện hạ thế, một cột ăngten truyền hình và nhiều cây xanh gãy đổ. Không có thiệt hại về người. - Hải Phòng có 11 ngôi nhà tốc mái, hư hại 1.624 ha lúa. Ngành điện lực bị ảnh hưởng khá nặng nề. Có 10 cột hạ thế gãy đổ, nhiều đường dây 35 KV trở xuống đứt. Thiệt hại ước tính 25 tỉ đồng. - Tại Bắc Kạn, mưa lũ gây sạt lở đất khiến các tỉnh lộ 254, 258, quốc lộ 3B bị ách tắc, dự kiến đến cuối ngày 19-9 mới thông xe. Có 93 ngôi nhà tốc mái, 255 ha hoa màu hư hỏng. - Tại Cao Bằng, mưa lũ làm 151 ngôi nhà, chín điểm trường học bị tốc mái, 74,8 ha hoa màu bị ảnh hưởng nặng. Trú mưa trong ống cống, một người bị nước lũ cuốn chết. Chiều tối 16-9, ông Kha Búa Thi và vợ là bà Cụt Thị Hạnh (bản Sơn Thành, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) chui vào cống thoát nước trên quốc lộ 7A để trú mưa. Sau ít phút, nước lũ từ trên thượng nguồn đổ về cuốn trôi hai vợ chồng. Bà Hạnh tử vong, ông Thi bị thương nặng. ĐẮC LAM Hàng trăm hành khách kẹt ở Lý Sơn. Sáng 17-9, tuyến vận tải hành khách Sa Kỳ - Lý Sơn (Quảng Ngãi) tạm ngưng hoạt động do biển động khiến hàng trăm hành khách bị kẹt ở hai đầu bến. Những người đã mua vé trước đều được trả lại tiền. LUẬN NGỮ |