Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết thống kê đến cuối ngày 19-4, cả nước có 879 người ứng cử ĐBQH khóa XIV, trong đó khối trung ương có 197 ứng viên, địa phương là 682 ứng viên. Ứng cử viên ở Trung ương có 29 người là phụ nữ, bảy người ngoài Đảng. Ở khối địa phương, số ứng cử viên nữ có đến 315 người (46,9%). Nếu cộng 29 người ứng cử ở khối trung ương thì phụ nữ ứng cử ĐBQH khóa này có 344 người, tương đương 39%, vượt yêu cầu là 35%.
Về tự ứng cử ĐBQH, cả nước có 11 người ở tám tỉnh, TP được lập danh sách. Theo ông Pha, 11 người tự ứng cử ĐBQH năm nay có chất lượng rất tốt, được các địa phương lựa chọn kỹ càng.
Ông Pha cho biết muộn nhất đến ngày 27-4, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ công bố danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, khi đó các ứng cử viên mới được vận động bầu cử và việc vận động kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ. Ông Pha nói luật không cấm vận động bầu cử trên mạng xã hội nhưng nếu vận động như thế thì tác dụng không nhiều. Vì vậy, tốt nhất nên tận dụng hai kênh là thông qua gặp gỡ, tiếp xúc cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
Ông Pha cũng lưu ý báo chí giám sát các thành viên tổ bầu cử, bởi nếu họ không cẩn trọng thì dễ xảy ra tình trạng đi bầu thay.
Ngoài ra, ông Pha cũng lưu ý đến bốn hành vi bị cấm trong vận động bầu cử gồm sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.