135 trường hợp không thi hành án hành chính: Đã kiến nghị xử lý nhưng không ai bị sao

(PLO)- Năm 2023, cơ quan thi hành án đã kiến nghị xử lý 135 trường hợp không chấp hành bản án hành chính nhưng đến nay chưa xử lý được trường hợp nào.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 21-11, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2023.

Kiến nghị xử lý 135 trường hợp không thi hành án hành chính

Về công tác thi hành án hành chính, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, các cơ quan THADS đã thực hiện theo dõi 1.388 bản án, quyết định có hiệu lực có nội dung phải thi hành. Tuy nhiên đến nay mới chỉ thi hành xong 582 bản án, quyết định (tăng 153 bản án, quyết định so với năm 2022).

thi hành án hành chính
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: QH

Nêu hạn chế - nguyên nhân, theo ông Long, số bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực chưa thi hành xong vẫn còn nhiều. Còn nhiều vụ việc, người bị kiện là các cơ quan hành chính nhà nước chưa thực hiện nghiêm quy định cung cấp chứng cứ và bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước trước Tòa án.

Điều này xuất phát từ việc các vụ khiếu kiện Quyết định hành chính, hành vi hành chính hầu hết có tính chất phức tạp; phần lớn số vụ việc chưa thi hành xong có liên quan đến lĩnh vực đất đai, xảy ra đã lâu, quá trình tổ chức thi hành phải thực hiện lại trình tự, thủ tục liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư… trong khi nhiều quy định, chính sách pháp luật về lĩnh vực này đã thay đổi…

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Tư pháp cho biết mặc dù Cơ quan thi hành án đã ban hành nhiều văn bản kiến nghị, nhưng cho đến nay, cơ quan có thẩm quyền chưa xử lý được trường hợp nào về không chấp hành án hành chính. Cụ thể kiến nghị xử lý 103 trường hợp năm 2020, 67 trường hợp năm 2021, 77 trường hợp năm 2022 và 135 trường hợp năm 2023.

Trước đó, thẩm tra báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao, UỶ ban tư pháp cũng cho biết đến nay, chưa có trường hợp nào cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước bị xử lý trách nhiệm do chậm thi hành án.

Do đó, Uỷ ban Tư pháp đề nghị VKSND Tối cao tập trung chỉ đạo, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này, thực hiện đầy đủ trách nhiệm Luật giao trong việc kiến nghị thi hành án, kiến nghị xử lý các trường hợp chậm thi hành án hành chính.

CN-UBTP_Le-Thi-Nga.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: QH

Sau gần 8 năm, Chính phủ vẫn chưa trình dự án Luật Thừa phát lại

Liên quan đến hoạt động Thừa phát lại, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, 194 Văn phòng Thừa phát lại trên cả nước đã tống đạt được 828.275 văn bản, lập 90.741 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 9 việc, thụ lý tổ chức thi hành án 5 vụ việc, doanh thu đạt hơn 173 tỉ đồng.

Tuy nhiên, việc triển khai chế định thừa phát lại vẫn còn chậm ở một số địa phương, kết quả hoạt động chưa đồng đều.

“Nguyên nhân do một số quy định chưa dự liệu hết được các vấn đề về Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại và công việc Thừa phát lại được làm. Đội ngũ Thừa phát lại còn mỏng về số lượng, hạn chế về kỹ năng, kinh nghiệm” - ông Long nói.

Thẩm tra những nội dung trên, theo Ủy ban Tư pháp, hoạt động thừa phát lại vẫn còn hạn chế, nhất là về xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án.

Đáng chú ý, theo cơ quan thẩm tra, đến nay, đã gần 8 năm thi hành nhưng Chính phủ vẫn chưa chuẩn bị được dự án Luật Thừa phát lại theo yêu cầu tại Nghị quyết 107/2015 của Quốc hội. Do đó, chưa tạo lập được khung pháp lý thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của các tổ chức Thừa phát lại, nhất là việc tham gia trong hoạt động thi hành án dân sự, nhằm góp phần hỗ trợ và giảm tải công việc của các Cơ quan thi hành án dân sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm