Thấy gì từ việc chậm thi hành bản án hành chính gần 3 năm ở Nha Trang?

(PLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu tổ chức thi hành bản án hành chính phúc thẩm; đồng thời giao Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc nhưng đến nay bản án vẫn chưa được thi hành.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gia đình ông Nguyễn Văn Lụm (ngụ xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, Khánh Hòa) vừa gửi đơn tố cáo chủ tịch UBND TP Nha Trang cố ý không thi hành bản án (THA) hành chính.

Họ cũng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa tiếp tục thực hiện giám sát việc giải quyết tố cáo, kiến nghị xử lý trách nhiệm và yêu cầu tổ chức thi hành dứt điểm bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.

Án đã có hiệu lực gần ba năm vẫn chưa được thi hành

Bản án hành chính phúc thẩm số 96 ngày 21-1-2021 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã có hiệu lực nhưng vẫn chưa THA. Theo bản án, tòa phúc thẩm buộc UBND xã Vĩnh Ngọc, UBND TP Nha Trang xác định thửa đất 297 mà gia đình ông Lụm đã canh tác, sử dụng liên tục không thuộc đất công ích 5%; yêu cầu hai cơ quan này xem xét, căn cứ vào tài liệu, hồ sơ xác định quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.

dat-5%-1.jpg
Thửa đất của gia đình ông Nguyễn Văn Lụm trong vụ kiện hành chính. Ảnh: HH

Về vấn đề thi hành bản án này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP Nha Trang, UBND xã Vĩnh Ngọc, các cơ quan liên quan tiếp tục tổ chức thi hành bản án theo đúng quy định của pháp luật. VKSND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản đôn đốc chủ tịch UBND TP Nha Trang thi hành bản án. Thực hiện các đề nghị của các cơ quan này, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa sau đó đã yêu cầu chủ tịch UBND TP Nha Trang tổ chức thi hành bản án; đồng thời giao Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc.

Tuy nhiên, UBND TP Nha Trang lại cho rằng đã có đơn đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục tái thẩm vì có tình tiết mới là đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất, giấy giao nhận diện tích đo đạc năm 1994 có chữ ký của ông Lụm…

UBND TP Nha Trang cho biết sẽ xem xét giải quyết quyền sử dụng đất tại thửa đất trên sau khi có kết quả giải quyết của TAND Tối cao.

Chấn chỉnh việc chậm thi hành án hành chính

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương chủ động triển khai ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về nâng cao tỉ lệ giải quyết các vụ án hành chính.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện. Đồng thời đánh giá chất lượng việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm.

Chờ kết quả tái thẩm không thuộc trường hợp tạm dừng THA

Nhận định về sự việc trên, TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết: Hiện nay có tình trạng một số cơ quan nhà nước chậm thi hành bản án hành chính với lý do đang chờ kết quả giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án phải thi hành. Tuy nhiên, những lý do này không phải là căn cứ để tạm dừng THA.

TS Nguyễn Văn Tiến dẫn chứng: Điều 106 Hiến pháp năm 2013 quy định bản án có hiệu lực pháp luật phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành. Theo Nghị định 71/2016 (quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục THA hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án) thì một trong những nguyên tắc khi THA hành chính là chấp hành nghiêm bản án, quyết định của tòa án; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Người phải THA có trách nhiệm thi hành bản án, quyết định của tòa án. Trường hợp này, thời gian tự nguyện THA là 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án. Nếu trong thời hạn tự nguyện mà người phải THA không chấp hành bản án là hành vi chậm THA (Điều 3 Nghị định 71/2016)…

Cạnh đó, TS Nguyễn Văn Tiến chỉ ra rằng đương sự có quyền làm đơn đề nghị tái thẩm nhưng chỉ những người có thẩm quyền kháng nghị mới có quyền kháng nghị tái thẩm và có quyền hoãn, tạm đình chỉ THA. Vì vậy, việc UBND TP Nha Trang đã gửi đơn đề nghị tái thẩm không thuộc trường hợp hoãn hay đình chỉ THA. Nói cách khác, đây không phải là căn cứ để hoãn hay đình chỉ THA. •

Nhiều chế tài đối với việc chậm thi hành án

Người được THA có quyền làm đơn đề nghị xử lý người phải THA theo Điều 314 Luật Tố tụng hành chính và chương 3 Nghị định 71/2016 quy định về xử lý trách nhiệm trong THA hành chính.

Cụ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải THA nếu cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa án, quyết định buộc THA của tòa án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (tội không THA theo Điều 379 BLHS năm 2015; sửa đổi, bổ sung năm 2017). TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm