Quá trình thực hành quyền công tố, giải quyết nguồn tin tội phạm, kiểm sát điều tra, xét xử vụ án hình sự, VKSND TP.HCM xử lý nhiều vụ án liên quan đến các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nghiêm trọng. Trong số này có nhiều vụ án các đối tượng đã lợi dụng sơ hở trong hoạt động công chứng để thực hiện hành vi phạm tội. Từ đó, VKS đã có văn bản nêu thực trạng và kiến nghị Sở Tư pháp TP chấn chỉnh hoạt động công chứng trên địa bàn TP.
Người dân làm thủ tục công chứng tại Phòng Công chứng số 4, quận Tân Bình, TP.HCM. (Ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: HTD
Ký công chứng ở nhà trọ
VKS dẫn chứng vụ vợ chồng ông M. ở quận 1 (TP.HCM) rao bán lô đất ở quận 2 thì các đối tượng đến hỏi mua và tráo đổi giấy tờ nhà, đất thật cùng bản phôtô CMND. Sau đó, Lê Thị Mỹ Dung cùng đồng phạm đã thuê ông Nguyễn Văn Trợ và người phụ nữ (không rõ lai lịch) đóng giả vợ chồng chủ đất công chứng ủy quyền cho người khác được bán lô đất.
Các đối tượng trên thuê nhà trọ ở quận 8 rồi nhờ công chứng viên (CCV) của Văn phòng công chứng (VPCC) Trung Tâm đến ký ủy quyền. Sau đó, họ dùng ủy quyền này ký công chứng bán đất, chiếm đoạt 6 tỉ đồng chia nhau.
Theo Điều 44 Luật Công chứng về địa điểm công chứng, việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Các trường hợp có thể được thực hiện ngoài trụ sở là: Người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở.
Thực tế có một số tổ chức hành nghề công chứng chưa thực hiện đúng quy định về địa điểm công chứng, các thủ tục về việc công chứng ngoài trụ sở không đúng. CCV ký hợp đồng ủy quyền cho các đối tượng đóng giả chủ đất thuê tại phòng trọ, nhà thuê, quán cà phê… là chưa đảm bảo quy định này.
Vay tiền bằng sổ hồng giả
VKSND TP dẫn chứng thực trạng việc công chứng hợp đồng vay tiền là giấy tờ giả và do người khác đứng tên. Cụ thể, vụ Nguyễn Thị Hồng Giang làm giả nhiều giấy chứng nhận căn nhà mình đang thuê ở quận 1 thành nhà đứng tên mình.
Sau đó, từ tháng 7-2016 đến tháng 1-2018, Giang đã sử dụng các giấy chứng nhận trên để 14 lần lập hợp đồng công chứng vay tiền của 14 người tại một tổ chức hành nghề công chứng (10 lần sử dụng giấy tờ chính, bốn lần sử dụng giấy sao y của UBND phường), chiếm đoạt 5 tỉ đồng.
Vụ khác, từ tháng 5-2015 đến tháng 10-2017, Nguyễn Minh Đông cùng vợ là Lê Thị Tiên (ngụ quận 8) thuê người làm giả 13 giấy chứng nhận căn nhà Đông đang ở có địa chỉ ở phường 8, quận 8 (chưa có giấy chứng nhận vì tranh chấp phần thừa kế).
Sau khi có giấy chứng nhận giả, Đông dùng thủ đoạn vay tiền có thế chấp giấy chứng nhận giả trên tại các VPCC, thừa phát lại… để chiếm đoạt của 13 bị hại số tiền hơn 5,2 tỉ đồng.
Trong đó, vợ chồng Đông tám lần sử dụng giấy chứng nhận giả để ký hợp đồng công chứng vay tiền của tám người ở hai tổ chức hành nghề công chứng.
Ký ủy quyền giả người chết
Tháng 6-2016, chị Lê Thị Ngọc Nữ thế chấp căn nhà của cha mẹ đã mất ở quận Tân Bình cho một người tên Phương để vay 100 triệu đồng và giao giấy tờ nhà cho Phương giữ. Sau đó, Lê Văn Trợ và các đồng phạm đã đóng giả cha mẹ (đã mất) của bà Nữ đi công chứng hợp đồng ủy quyền cho người khác bán nhà, chiếm đoạt của người mua hơn 3,7 tỉ đồng.
Liên quan đến hành vi giả chủ nhà, ông Võ Văn Đức rao bán căn nhà của mình ở phường 10, quận Tân Bình và có người hỏi mua. Sau khi tiếp xúc, người hỏi mua nhà tráo các giấy tờ liên quan đến căn nhà. Trong khi qua môi giới, ông Lê Văn Chiến đồng ý mua căn nhà của ông Đức với giá 18 tỉ đồng.
Năm 2018, đối tượng Nguyễn Bá Phúc đóng giả chủ nhà Võ Văn Đức đi công chứng hợp đồng chuyển nhượng căn nhà tại VPCC Dương Thanh Tú. Sau khi đăng bộ nhà xong, ông Chiến thế chấp ngân hàng vay 14 tỉ đồng...
4 kiến nghị về công chứng Tại văn bản, VKSND TP có bốn kiến nghị với giám đốc Sở Tư pháp TP quan tâm chỉ đạo, chấn chỉnh hoạt động công chứng nhằm góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm và tội phạm lợi dụng sơ hở của hoạt động công chứng để thực hiện, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân. 1/ Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng để các VPCC thực hiện đúng các quy định của Luật Công chứng và Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng ban hành kèm theo Thông tư 11/2012 của bộ trưởng Bộ Tư pháp… 2/ Định kỳ mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn của CCV; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng cập nhật kịp thời các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới liên quan đến hoạt động công chứng để hạn chế rủi ro xảy ra. 3/ Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng trên địa bàn TP.HCM; kịp thời xử lý đối với CCV trong các trường hợp để xảy ra sai sót, công chứng ngoài trụ sở không đúng…, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. 4/ Kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc xây dựng chương trình, hoạt động, đăng ký bản quyền các ký hiệu cá nhân (mã dấu vân tay, mã số thẻ căn cước, mã số hình ảnh, lịch sử giao dịch…). Cần xây dựng phần mềm kỹ thuật soi, lưu hình ảnh để xác định tài liệu giả, thật nhằm phục vụ tốt hơn trong công tác công chứng cũng như phục vụ công tác xác minh, điều tra, giải quyết các vụ án có liên quan (nếu có). (Trích văn bản của VKSND TP.HCM) |
VKSND TP nhận định nguyên nhân của các vụ việc trên là do CCV thiếu thận trọng trong việc kiểm tra giấy tờ, tài liệu công chứng nên không phát hiện giấy tờ giả, người đóng giả. Một số trường hợp CCV chưa chú trọng đến đạo đức nghề nghiệp, nếu có tiêu cực rất khó phát hiện.
Theo VKSND TP, công tác quản lý nhà nước đối với công chứng chưa được chú trọng đúng mức, chưa kiểm tra thường xuyên; không kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm của VPCC, CCV để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.