Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cảnh báo về tình trạng viêm gan virus ở Việt Nam nhân ngày Viêm gan thế giới (28-7).
Theo ông Phu, hậu quả do viêm gan virus gây ra rất nặng nề như ung thư gan, xơ gan…
“Việt Nam là một trong những quốc gia ở khu vực tây Thái Bình Dương có tỉ lệ nhiễm virus viêm gan cao. Tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B từ 15% - 20% dân số, nhiễm virus viêm gan C từ 2% - 6%” – ông Phu cho biết.
Nhiều trường hợp tử vong vì xơ gan và ung thư gan có liên quan đến viêm gan B và C. Viêm gan B mãn và viêm gan C mãn là hai nguyên nhân thường gặp dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
Theo ông Phu, khả năng lây nhiễm viêm gan B cao hơn HIV từ 50 đến 100 lần, chủ yếu qua qua đường máu, sinh hoạt tình dục, nguy cơ khi dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo với người bệnh. Phương thức lây nhiễm phổ biến nhất là lây nhiễm trong khi sinh: trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm khi sinh từ 10% - 90% nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B, đặc biệt trong trường hợp mẹ có xét nghiệm HBsAg+ và HBeAg+ thì 90% trẻ sinh ra sẽ bị nhiễm virus viêm gan B.
Ngoài ra, 90% số trẻ bị nhiễm virus viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành nhiễm virus viêm gan B mãn tính và hậu quả lâu dài là dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
Tại Việt Nam, khoảng 10%-12% phụ nữ mang thai bị nhiễm virus viêm gan B mãn tính.
Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định viêm gan B có thể kiểm soát một cách hiệu quả thông qua tiêm chủng vaccine viêm gan B. Gia đình cần cho trẻ sơ sinh tiêm liều vaccine viêm gan B đầu tiên càng sớm càng tốt sau khi sinh (trong vòng 24 giờ đầu).
Việc tiêm vaccine thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao, với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50-57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày.