15% người Venezuela thừa nhận đang phải sống sót nhờ moi tìm và ăn thức ăn thừa trong “rác thải ra từ các chợ, trung tâm thương mại”, theo một khảo sát của công ty More Consulting mới công bố trên báo tiếng Tây Ban Nha Diario de las Américas (Mỹ).
72% dân Venezuela không đủ điều kiện có được các bữa ăn (sáng, trưa, tối) đủ dinh dưỡng. 24,2% cho biết họ rất hiếm khi được ăn thịt cá, trái cây.
15% dân Venezuela phải lục thùng rác tìm thức ăn thừa sống qua ngày. Ảnh:AP
52,3% phải mua thực phẩm từ chợ đen, mua lại từ những người may mắn mua được (từ siêu thị chẳng hạn) nhiều hơn lượng thực phẩm họ cần. Có thời điểm người dân phải xếp hàng đợi cả 8 tiếng đồng hồ mới được vào siêu thị mua thực phẩm, có lúc đến khi vào được siêu thị thì lại không còn gì để mua.
53,9% người Venezuela cho biết họ thường xuyên phải đi ngủ đói. 48% cho biết họ thường phải bớt giờ làm việc để đi xoay tìm thực phẩm cho mình và gia đình.
Thăm dò của đại học Simón Bolívar (Venezuela) hồi tháng 6 cho thấy gần 90% người Venezuela không có đủ tiền chi trả cho 3 bữa ăn mỗi ngày.
Trong khi đó, ngày 19-9, ông Henrique Capriles - Thống đốc bang Miranda, bang lớn thứ hai Venezuela tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì thiếu thực phẩm ở hệ thống trường học ở bang này. “Chúng tôi ban bố tình trạng khẩn cấp thực phẩm trong bang chúng tôi.”
Tình trạng khẩn cấp cho phép ông Capriles ưu tiên nguồn thu để chi mua thực phẩm cho các trường học, các trung tâm chăm sóc người già, người tàn tật. Tình trạng này cũng sẽ giúp ông Capriles dễ dàng xin tài trợ thực phẩm từ các công ty, các tổ chức cứu trợ.
Thống đốc bang Miranda Henrique Capriles ban hành tình trạng khẩn cấp vì thiếu thực phẩm ở hệ thống trường học. Ảnh: RUN RUN
Ông Capriles là đối thủ chính của ông Maduro trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2013, hiện đang dẫn đầu chiến dịch vận động tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống do dân bầu để lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro.
Ông Capriles thuộc đảng đối lập trung hữu Dân chủ Thống nhất, chỉ trích chính phủ Tổng thống Maduro đã có những chính sách sai lầm dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn tới thiếu thốn thực phẩm, thuốc men trầm trọng khắp Venezuela trong thời gian dài gần 3 năm.
Venezuela lâm vào khủng hoảng kinh tế kể từ khi giá dầu giảm mạnh từ giữa năm 2014. Tỷ lệ lạm phát của Venezuela đang ở mức cao 700%/năm, mức cao nhất thế giới.
Bản thân ông Maduro cho rằng tình trạng thiếu thực phẩm là do sự đầu cơ của các công ty nhằm cố tình gây xáo trộn xã hội để lật đổ chính phủ ông. Hồi tháng 2, Quốc hội Venezuela cũng tuyên bố tình trạng “dinh dưỡng khẩn cấp”.
Tháng 4-2014, Tổng thống Maduro đã chỉ đạo áp dụng chính sách phân phối thực phẩm theo chế độ tem phiếu. Quân đội và cảnh sát được huy động lùng sục những người tích trữ thực phẩm hoặc mua nhiều hơn khẩu phần được nhà nước quy định.