Tại hội thảo Tổng kết 5 năm thực hiện chính sách về hỗ trợ thuốc, chiều 8-11, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Sau gần 5 năm thực hiện chính sách hỗ trợ thuốc cho cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) để điều trị cho người bệnh theo Thông tư số 31/2018/TT-BYT (Thông tư 31), đã có 18 chương trình hỗ trợ thuốc được phê duyệt.
Theo đó, hơn 6.000 người bệnh mắc các bệnh hiểm nghèo được tiếp nhận lợi ích từ chính sách này.
2 chương trình có giá trị lớn nhất là chương trình hỗ trợ thuốc Keytruda với 734,6 tỉ đồng (chiếm 46%); chương trình hỗ trợ thuốc Tagrisso (osimertinib) cho người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ có giá trị 625,9 tỉ đồng (chiếm 39%). Đây cũng là chương trình có thời gian triển khai dài nhất, trong hơn 9 năm (từ 4-2020 đến 6-2029).
“Các chương trình hỗ trợ thuốc mang ý nghĩa nhân văn cao cả, thiết thực cho người bệnh. Giúp giảm giá thành điều trị, tăng tỷ lệ người bệnh tiếp cận điều trị thuốc, đặc biệt đối với các loại thuốc biệt dược gốc, thuốc sinh phẩm có chi phí điều trị lớn, chưa được quỹ BHYT chi trả”, ông Thuấn nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt ý nghĩa tích cực mang lại, việc triển khai thực hiện Thông tư 31 cũng bộc lộ một số vấn đề vướng mắc, bất cập cần phải điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Nhất là các quy định về hồ sơ, thủ tục phê duyệt chương trình hỗ trợ thuốc, quy định về đề xuất thay đổi nội dung chương trình trong thời gian đang thực hiện...
Là đơn vị đang triển khai 11 chương trình hỗ trợ thuốc, đại diện Bệnh viện K cho biết mỗi chương trình có thủ tục hành chính và quy trình thực hiện khác nhau. Do đó mất khá nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục trước khi được nhận thuốc viện trợ.
Cạnh đó, người kê đơn phải được người đứng đầu của bệnh viện giao nhiệm vụ tham gia chương trình bằng văn bản. Do vậy, hàng năm bệnh viện phải bổ sung danh sách để bác sĩ có thể kê đơn cho người bệnh được nhận hỗ trợ thuốc.
Ngoài ra, các hồ sơ tham gia chương trình cũng chưa có hướng dẫn phương án, thời gian lưu trữ. Mặc dù thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc nhưng giá thành của một số thuốc vẫn cao so với khả năng chi trả của người bệnh. Từ đó có người bệnh phải dừng chương trình vì không đủ điều kiện kinh tế, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Theo TS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc bệnh viện Ung bướu TP.HCM, kiến nghị thông tư nên quy định rõ hơn các điều khoản đảm bảo quyền lợi sử dụng thuốc của bệnh nhân tham gia chương trình cho đến khi kết thúc điều trị.
Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng việc các chương trình hỗ trợ thuốc phải được Bộ Y tế phê duyệt trước khi thực hiện là không cần thiết. Thay vào đó nên phân cấp cho các cơ sở KCB tự trao đổi, thống nhất với các cơ sở kinh doanh dược và ký hợp đồng thực hiện. Điều này sẽ giúp đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian người bệnh được tiếp nhận thuốc hỗ trợ.
Về phía Bộ Y tế, đại diện Vụ BHYT cho biết dự thảo Thông tư 31 sửa đổi đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến sửa đổi những nội dung, quy định nhằm tháo gỡ bất cập trong gần 5 năm qua. Cùng với đó là tập trung sửa đổi những quy định về hồ sơ đề nghị phê duyệt chương trình lần đầu, hồ sơ đề nghị phê duyệt sửa đổi, bổ sung, trình tự, thủ tục phê duyệt chương trình và trách nhiệm thực hiện của các bên liên quan.
Hiện 3 chương trình hỗ trợ thuốc đã kết thúc, 15 chương trình đang thực hiện, cùng với đó là 6 chương trình đang xét hồ sơ.