Bảo hiểm sẽ thanh toán thuốc, vật tư y tế bệnh nhân mua ngoài trong trường hợp đặc thù

(PLO)- Bộ Y tế đang xây dựng thông tư để BHYT thanh toán thuốc, vật tư mà bệnh nhân phải mua ngoài trong trường hợp đặc thù như đợt dịch COVID-19 vừa qua.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại phiên họp Quốc hội đang diễn ra, một số đại biểu đề cập tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại cơ sở khám chữa bệnh, dẫn tới người bệnh phải tự tìm mua bên ngoài. Vậy cần có cơ chế để quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả cho những khoản mua ngoài đó.

Cơ chế này chính là một thông tư mà Bộ Y tế đang xây dựng, tạo cơ sở pháp lý để BHYT thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trong khám, chữa bệnh với những trường hợp đặc biệt.

Chỉ áp dụng cho các trường hợp đặc thù

Chia sẻ tại buổi tọa đàm ngày 7-11, Vụ trưởng Vụ BHYT Trần Thị Trang cho biết nhiệm vụ của thông tư là quy định cụ thể các trường hợp đặc thù được thanh toán, đối tượng áp dụng, hình thức thanh toán, quy trình thủ tục... Yêu cầu là vừa đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, vừa phòng ngừa lạm dụng đến từ cả người bệnh và bệnh viện.

Nhiệm vụ của các cơ sở y tế phục vụ khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT là phải mua sắm, dự trù đủ thuốc, vật tư đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Vậy quy định mới vẫn phải bám theo nguyên tắc cơ bản ấy, và chỉ chi trả các khoản bệnh nhân phải mua ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết, bất khả kháng.

vụ-bhyt-tran-thi-trang.jpg
Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế Trần Thị Trang. Ảnh: TT

Vì vậy, dự thảo thông tư cần làm rõ 3 điều kiện: (1) Người bệnh được chẩn đoán và kê đơn thuốc, vật tư y tế trong phạm vi được hưởng theo chế độ BHYT nhưng tại thời điểm đó, cơ sở y tế không sẵn; (2) Việc thiếu thuốc, vật tư y tế là vì vì lý do khách quan, chứ không phải do lỗi của bệnh viện; (3) Thuốc, vật tư y tế mà người bệnh mua ngoài chưa được thanh toán BHYT.

Ngoài ra, một vấn đề cũng cần được giải quyết khi xây dựng thông tư này là có cho hiệu lực hồi tố với các trường hợp bệnh nhân đã buộc phải tự mua thuốc, kim tiêm, dây truyền và các vật tư y tế khác trước khi văn bản này được ban hành, hay như thường lệ chỉ áp dụng với các sự kiện pháp lý xảy ra sau này.

“Đây là những vấn đề rất khó, Bộ Y tế sẽ cố gắng nghiên cứu và sớm ban hành để tháo gỡ một phần khó khăn cho người bệnh”, bà Trang thông tin thêm.

GIA-HAN-THUOC.jpg
Bộ Y tế có nhiều giải pháp nhằm tăng cường cung ứng thuốc. Ảnh minh họa

Mong cung - cầu khám chữa bệnh, mua sắm thuốc sớm trở lại bình thường

Đảm bảo đủ thuốc cho người bệnh là một trong những trách nhiệm của cơ sở y tế, được quy định trong Luật BHYT, Luật Khám chữa bệnh, cũng như nhiều văn bản khác. Vậy nên, theo bà Trang quyền lợi của người tham gia BHYT phải được bảo đảm trong mọi trường hợp.

Tuy nhiên, trên thực tế đâu đó vẫn có thể xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư do các nguyên nhân khách quan như đứt gãy chuỗi cung ứng, nhà sản xuất thiếu hụt nguồn nguyên liệu, thị trường biến động mạnh, nhu cầu khám chữa bệnh tăng vọt so với bình thường. Cùng với đó, các yếu tố bất thường như đại dịch COVID-19 vừa qua cũng dẫn đến những tình huống mà quy định pháp luật không dự liệu hết được, gây khó khăn cho việc mua sắm.

Những yếu tố khách quan, bất thường ấy có thể dẫn tới những trường hợp thậm chí thuốc rất ít tiền, 1.200 đồng/lọ, cũng không dễ nhập về, khó mua sắm. Thuốc hiếm, nguồn cung ít, thì đơn vị cung ứng đã trúng thầu cũng không thể giao hàng như cam kết, dẫn đến thiếu thuốc cục bộ.

“Trong những trường hợp như vậy, pháp luật cần dự liệu để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT”, bà Trang chia sẻ.

“Quy định này được nghiên cứu, ban hành để dự liệu cho các trường hợp bất khả kháng, đặc thù, áp dụng trong giai đoạn hiện nay để giải quyết một số hệ lụy sau 3 năm chống dịch COVID-19” - Vụ trưởng Vụ BHYT Trần Thị Trang.

thanh-toan-bhyt.png
"Quyền lợi của người tham gia BHYT phải được bảo đảm trong mọi trường hợp". Ảnh: TT

Dự thảo thông tư đang được xây dựng theo hướng đó, cho nên, về lâu dài vẫn phải trở về các nguyên tắc cơ bản của chế độ BHYT, cần có các giải pháp để cung - cầu khám, chữa bệnh cũng như việc lên kế hoạch, đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế trở lại trạng thái bình thường, ổn định, có thể dự báo.

“Gốc rễ của vấn đề vẫn là tổ chức, đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, sẵn có, ổn định cho người dân. Cần có các biện pháp lâu dài, căn cơ về mặt tổ chức thực hiện mua sắm, bảo đảm cung ứng theo đúng quy định của pháp luật, nâng cao trách nhiệm của cơ sở y tế để có thuốc cho bệnh nhân”, bà Trang nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm