Bộ trưởng Bộ Y tế nói gì về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế?

(PLO)- Thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế là thách thức dai dẳng và không phải là hiện tượng mới ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu ra sáng nay 1-11 tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đến cả nguyên nhân khách quan quan và chủ quan.

Trong đó, một vài yếu tố chủ quan có thể kể đến như do hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn bất cập, việc tổ chức thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc, công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện chưa kịp thời, hiệu quả và còn có tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị, địa phương.

“Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành y tế với khối lượng tồn đọng sau gần 3 năm tập trung chống dịch COVID-19. Vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế. Nhiều cán bộ y tế từ trung ương xuống địa phương vi phạm pháp luật, làn sóng xin nghỉ việc, chuyển ra khỏi khu vực y tế công. Cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện”, bà Lan nói.

Bên cạnh đó còn là những nguyên nhân khách quan, bà Lan cho biết, theo báo cáo của WHO, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế là thách thức dai dẳng và không phải là hiện tượng mới, càng trở nên nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch COVID-19.

Ngày 24-10-2023, Ủy ban Châu Âu EC đã họp bàn và ra thông báo về việc tăng cường các hành động khắc phục thiếu thuốc trầm trọng và tăng cường an ninh nguồn cung.

“Nguồn cung nguyên liệu, hoạt chất trên thế giới khan hiếm, vấn đề biến động giá cả trên quy mô toàn cầu, vấn đề lạm phát, khủng hoảng năng lượng, ảnh hưởng xung đột quân sự… làm tăng cao chi phí đầu vào của việc sản xuất dược phẩm.

Giá thành sản phẩm tăng cao, chuỗi cung ứng gián đoạn, thiếu động lực khuyến khích các nhà sản xuất, việc sản xuất thuốc mang lại ít lợi nhuận hơn”, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết.

bộ trưởng y tế đào hồng lan nói về thiếu thuốc
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đến cả nguyên nhân khách quan quan và chủ quan Ảnh: Phạm Thắng

Cũng theo bà Lan, trong thời gian qua Bộ Y tế và các bộ ngành đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

Bộ đã trình Quốc hội ban hành các luật liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Khám, chữa bệnh và các Nghị quyết của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan để tạo hành lang pháp lý.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Bộ Y tế, Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2024 sẽ giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc về đảm bảo nguồn cung và việc thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 22.000 thuốc và trên 100.000 chủng loại trang thiết bị y tế còn hiệu lực.

Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, đặc biệt đối với các thuốc hiếm. Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các đơn vị y tế trực thuộc Bộ. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đấu thầu tập trung quốc gia…

Đến nay, việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã đạt được kết quả tích cực bước đầu, dù vẫn xuất hiện tình hình thiếu thuốc cục bộ tại một số cơ sở y tế địa phương.

Theo báo cáo của 1.076 đơn vị trên toàn quốc với Bộ Y tế trong tháng 10-2023, có 67,41% đơn vị cho biết đủ cung ứng thuốc cho hoạt động khám, chữa bệnh, và 38,59% đơn vị vẫn còn tình trạng thiếu cục bộ.

“Có những đơn vị trước đây rất khó khăn nhưng nay đã thực hiện đấu thầu đảm bảo cơ bản cho công tác khám chữa bệnh. Đơn cử, Bệnh viện Bạch Mai từ đầu năm tới nay đã thực hiện được 35 gói thầu mua vật tư, hóa chất, máy móc. Về các bệnh hiếm gặp, Bộ đã trình cơ chế để tháo gỡ trong vấn đề đảm bảo nguồn cung cho các vấn đề thuốc hiếm”, lãnh đạo Bộ Y tế thông tin thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm