Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Thuốc thiếu chất lượng vẫn vượt 'khe cửa hẹp' trúng thầu giá rẻ

(PLO)- Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho hay tình trạng mua bán vật tư tiêu hao y tế hiện nay vô cùng rối…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 1-11, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đã phát biểu tranh luận về việc chậm trễ cung ứng thuốc trong thời gian qua.

Nhiều thuốc thiếu chất lượng vẫn "lọt" cửa

Theo ông Hiếu, hiện nay việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện rất nhiều, không còn hiện tượng phải mua thuốc ngoài. Tuy nhiên, việc mua bán vật tư tiêu hao y tế lại vô cùng rối.

Nguyên nhân khách quan theo ông là do có quá nhiều quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này, rất khó để đưa ra quyết định mua sắm, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau.

Ông cho hay, Bệnh viện Đại học Y thuộc nhóm bệnh viện của Bộ Y tế được phân cấp mạnh, Thủ trưởng đơn vị được tự phê duyệt và chịu trách nhiệm nên không bị thiếu dụng cụ, thuốc men.

“Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới. Rất nhiều hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua "khe cửa hẹp" để trúng thầu với giá rẻ, có những hãng sẵn sàng in sửa lại catalog để đáp ứng yêu cầu được đưa vào danh sách đấu thầu” - ông thông tin.

Chính vì vậy, ĐB Hiếu cho rằng cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm, chỉ có hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến năm năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao.

Nếu các tiêu chí này được pháp luật khuyến khích bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành y tế.

nguyen-lan-hieu.jpeg
ĐB Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: QH

Ông Hiếu cũng chỉ rõ việc cấp phép nhập khẩu cho phép sử dụng các dụng cụ mới tại Việt Nam bị bế tắc nhiều năm nay.

“Ngay bản thân tôi vẫn phải chuyển bệnh nhân ra nước ngoài chữa vì không có những dụng cụ nhập khẩu dễ dàng vào Việt Nam. Các hãng lớn khi nhìn thấy quy định về thủ tục, thời gian trung bình để được cấp phép đều lắc đầu ngao ngán. Có những công ty không định hướng phát triển thậm chí rút khỏi thị trường Việt Nam” - ông nói.

Đối với các bệnh viện tỉnh khó khăn còn nhiều hơn do quá nhiều khâu phê duyệt, kiểm tra. Việc mua sắm phụ thuộc vào các sở y tế, sở tài chính, UBND. Vì sợ trách nhiệm dẫn đến tâm lý trì hoãn, hồ sơ để trên bàn không đọc, gần hết hạn thì mang ra rồi tìm vài lỗi nhỏ để trả về cơ sở.

Sửa xong nộp thì lại tìm thấy một lỗi khác, cứ như vậy hết thời gian quy định việc thẩm định, mọi việc lại trở về vạch số 0. Cứ vậy hết thời gian và cuối cùng chúng ta không có hàng để sử dụng.

“Hãy giao trách nhiệm chính cho những người sử dụng sản phẩm đấu thầu. Giao cho bệnh viện quyền và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trước bệnh nhân và pháp luật” - ông Hiếu nhấn mạnh.

pham-khanh-phong-lan.jpg
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM)

Sớm bổ sung danh mục thuốc để bệnh nhân được hưởng lợi

Cũng liên quan đến lĩnh vực y tế trước đó, chiều 31-10, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) đề nghị Chính phủ bổ sung vào báo cáo về tình hình cung ứng thuốc, vật tư y tế đã được nỗ lực giải quyết như thế nào.

Bà Lan cũng đề nghị cập nhật danh mục thuốc để bệnh nhân có thể kịp thời sử dụng những thành quả mới nhất của nhân loại. Việc này, theo bà là rất chậm so với các nước khác.

“Nhật chỉ mất khoảng ba tháng, Pháp 15 tháng, Hàn Quốc 18 tháng nhưng chúng ta mất trung bình 2-4 năm để một loại thuốc mới có thể được vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế và như vậy sẽ mất quyền lợi của người dân hưởng bảo hiểm y tế”- ĐB Phong Lan nói.

Vấn đề tiếp theo được bà Lan đề cập là bệnh nhân có bảo hiểm y tế vẫn phải tự mua thuốc. “Tôi xin đặt lại câu hỏi một lần nữa, bảo hiểm y tế có trách nhiệm gì trong việc chi trả tiền người dân phải tự bỏ ra để mua thuốc này. Vì đây là quyền lợi của người dân và không cung ứng được là lỗi của chúng ta” - theo bà Lan.

“Tôi cũng rất thắc mắc và xin Chính phủ có những bổ sung thêm, đó là chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế có gì khác chưa. Điều này sẽ thể hiện một cách đúng nhất việc quan tâm tới ngành y tế, cũng là quan tâm tới an sinh xã hội, tới sức khỏe, tới quyền lợi, tới tính mạng của bệnh nhân”- bà Lan nói.

Đề cập nguyên nhân, nữ ĐB cho rằng các khó khăn trên không phải chỉ từ yếu tố khách quan, không phải chỉ từ chuyện thiếu tiền hay thiếu nhân lực mà đôi khi còn là do các quy định, các thủ tục quá phức tạp, “đá” nhau và chậm sửa đổi.

Những khó khăn này, theo bà Lan, không chỉ mình ngành y tế có thể giải quyết được mà rất cần sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo đồng bộ để tất cả các ngành cùng vào cuộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm