Chiều 31-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch năm 2024.
Trước bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới có nhiều tác động, các đại biểu (ĐB) đã đánh giá cao những nỗ lực điều hành kinh tế của Chính phủ thông qua nhiều thành tựu đã đạt được. Dù tăng trưởng không đạt như chỉ tiêu đề ra nhưng Việt Nam vẫn là nước có tỉ lệ tăng trưởng cao, xuất siêu đạt 22 tỉ USD, 659 km đường cao tốc đưa vào sử dụng, nhiều dự án thua lỗ ngành công thương được xử lý, các dự án năng lượng quan trọng được đưa vào vận hành…
Tuy nhiên, các ĐB cũng chỉ ra rằng Chính phủ còn nhiều việc phải làm để kinh tế - xã hội phục hồi, phát triển theo đúng các nghị quyết của Trung ương, QH.
Thiếu vốn, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
ĐB Trần Chí Cường (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) nhìn nhận bên cạnh những kết quả đạt được thì 5/15 chỉ tiêu dự kiến không đạt yêu cầu đều ở lĩnh vực kinh tế. Điều này phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế nước ta đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các gói chính sách của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng.
“Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình, “bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn” cho phù hợp, đồng thời có những chính sách, biện pháp đủ mạnh, đảm bảo tính khả thi hoàn thành các mục tiêu đặt ra” - ĐB Cường nói.
Nêu lại báo cáo của Chính phủ về tăng trưởng tín dụng chưa như kỳ vọng, theo ĐB Cường, điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn. Khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp (DN) cũng gặp nhiều trở ngại. Cơ chế cho vay phức tạp, làm giảm sức hấp dẫn của việc vay vốn. Thị trường vốn, thị trường cổ phiếu có dấu hiệu không ổn định...
ĐB Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) nói các DN ở tỉnh ông gặp rất nhiều khó khăn dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ và đồng hành. “Áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn… đã tạo thách thức lớn cho DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ” - ông Phước nói và dẫn chứng cụ thể một DN doanh thu 100 tỉ đồng/năm nhưng phải đóng thuế tới 45 tỉ đồng.
Theo ông Phước, cách tính thuế hiện nay khi áp thuế là áp ngay cả tuyến đường chính và diện tích 60 ha nên DN này không chịu đựng nổi. Trong khi đó, tiếp cận vốn vay, đặc biệt là khoản vay trung - dài hạn gặp khó do điều kiện và thủ tục phức tạp nên chỉ tiếp cận được các khoản vay ngắn hạn.
Do vậy, ông đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đến khó khăn của DN để có chính sách hỗ trợ kịp thời thiết thực. Đặc biệt, hiện DN đang thiếu vốn nghiêm trọng, cần thiết kế gói tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, khơi thông vốn ngân hàng, hạ lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay vốn. Ông cũng đề nghị đẩy mạnh cải cách thuế; lắng nghe, chia sẻ, giải quyết kiến nghị liên quan chính sách thuế, nghiên cứu chính sách thuế cho DN nhỏ và vừa.
Khắc phục việc chồng chéo pháp luật
ĐB Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) đánh giá ba động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) đều chưa đạt kỳ vọng. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công đạt được kết quả tích cực nhưng chưa có nhiều đột phá, chưa đạt được như kỳ vọng và chưa thực hiện được vai trò nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Thắng, vốn đầu tư công là nguồn lực, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất năm 2023 thì đầu tư công cần bung ra mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng tổng cầu của nền kinh tế.
Ông Thắng cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương có giải pháp quyết liệt hơn nữa để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Vị ĐB này cũng đề nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản. “Cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển phân khúc nhà ở vừa túi tiền. Điều này giúp bảo đảm thanh khoản tốt, giải quyết được nhu cầu chỗ ở thực cũng như việc thiếu nguồn cung ở các đô thị lớn” - ông nói.
Cạnh đó, nhiều ĐB cũng quan tâm đến thực trạng chồng chéo pháp luật đang gây khó cho DN và cho rằng việc gỡ nút thắt này cũng quan trọng không kém.
Theo ĐB Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương), với những nội dung phát hiện qua rà soát có vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của dân thì cần xác định trường hợp cấp bách và áp dụng thủ tục rút gọn hoặc thủ tục đặc biệt khi sửa đổi, bổ sung.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) đã liệt kê theo báo cáo của Chính phủ, lĩnh vực đấu giá có 27 nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc; trong khi đó ở lĩnh vực đất đai có 61 nội dung hay lĩnh vực tài sản công có 14 nội dung…
ĐB Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cùng một số ĐB khác đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, làm rõ các nội dung qua rà soát cho thấy có vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định của pháp luật để đề xuất hướng cụ thể, báo cáo Ủy ban Thường vụ QH và QH.
Đề nghị sớm tăng lương tối thiểu, giảm giờ làm ở khu vực tư
Nêu ý kiến thảo luận, ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động, bảo đảm thực hiện từ ngày 1-7-2024, tức cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công.
ĐB Nghĩa cũng kiến nghị Chính phủ xem xét trình QH giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ năm 1999).
“Qua gần 40 năm đổi mới, điều kiện kinh tế - xã hội cũng như thế và lực của nước ta đã được nâng lên tầm cao mới. Việc giảm giờ làm việc cũng là xu hướng tiến bộ của đa số quốc gia trên thế giới” - vị ĐB Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nói.
-----------
Cần sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vaccine
Tại phiên thảo luận chiều 31-10 về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP.HCM) nhận định báo cáo của Chính phủ về lĩnh vực y tế “còn rất sơ sài”, đặc biệt là những vấn đề đã đề cập từ các kỳ họp trước.
Theo đó, bà đề nghị Chính phủ có báo cáo bổ sung về tình hình cung ứng thuốc, vật tư y tế đã được nỗ lực giải quyết như thế nào, danh mục thuốc BHYT được cập nhật ra sao. Bởi theo bà, để người dân “hưởng các thành tựu y tế của nhân loại” qua danh mục thuốc BHYT ở nước ta còn chậm. “So sánh với một số nước để thấy quá trình này chậm” - ĐB Phong Lan nói và cho rằng như vậy là mất quyền lợi của người dân được hưởng BHYT.
Vấn đề này còn liên quan đến việc người dân phải tự mua thuốc trong danh mục BHYT, từ đó bà đặt ra trách nhiệm của BHYT và khẳng định: “Đây là quyền lợi của người dân, không cung ứng được là lỗi của chúng ta”.
Cuối cùng, bà Phong Lan đề nghị bổ sung báo cáo về tình hình dự trữ quốc gia đối với các loại thuốc hiếm, việc thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng và chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế.
Cũng lĩnh vực này, ĐB Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) quan tâm đến nguồn nhân lực y tế - yếu tố theo bà là quyết định đến thành công trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Bà Thu đề nghị cần triển khai các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); xây dựng chính sách hỗ trợ sinh viên học ngành bác sĩ y khoa. Đồng thời, phân bổ ngân sách cho các bệnh viện đủ điều kiện là cơ sở thực hành lâm sàng theo hình thức đặt hàng giao nhiệm vụ thực hành cho các bác sĩ sau khi tốt nghiệp ĐH.
ĐB Thu cũng đề nghị cần phải có hệ thống giám sát, kiểm tra hằng năm về năng lực đào tạo của các trường có ngành đào tạo y, dược... NHÓM PV