Đại biểu mong có những tác phẩm nghệ thuật như các vở kịch của Lưu Quang Vũ

(PLO)- Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa mong rằng với sự phát triển công nghiệp văn hoá, Việt Nam sẽ có những tác phẩm văn hoá văn nghệ, văn chương xứng tầm, mang hơi thở thời đại, như những gì mà nhà văn, nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ đã làm được.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 31-10, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024 cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Liên quan đến vấn đề phát triển văn hoá, đại biểu (ĐB) Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên), cho biết một trong những điểm thuận lợi để chúng ta phát triển văn hoá là Việt Nam có 100 triệu dân, với mức tăng trưởng kinh tế 5 - 6%, tỉ lệ dân số trẻ. Người Việt Nam thì thích bàn luận, thích cái mới và rất say sưa với chữ nghĩa, văn hóa. Đó là dư địa rất lớn để phát triển, văn hoá, nghệ thuật.

Theo ông Nghĩa, vừa rồi ban nhạc BlackPink sang biểu diễn tại Việt Nam, chỉ với hai đêm nhưng doanh thu của họ tới 13 triệu USD. Con số này gần bằng một nửa tổng doanh thu nghệ thuật biểu diễn nước ta phấn đấu đến năm 2030 (31 triệu USD, theo chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa phê duyệt năm 2016).

"Điều này rất đáng suy nghĩ. Họ thu trên đất nước của chúng ta, của người Việt Nam chúng ta, trên sân vận động Mỹ Đình của chúng ta" - ĐB Nghĩa trăn trở.

Ông cũng cho rằng nếu điều kiện sân vận động tại TP.HCM phù hợp thì chỉ cần bốn đêm diễn của ban nhạc này tại hai TP đã bằng kế hoạch chúng ta phấn đấu đến năm 2030.

Từ đây, ông Nghĩa đánh giá dư địa dành cho phát triển văn hoá nghệ thuật là rất lớn. Tuy nhiên, vị ĐB này cũng chỉ ra thực trạng của hoạt động nghệ thuật biểu diễn hiện nay khi khảo sát thực tế. "Có nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật quản lý tới năm khu đất vàng, kim cương của thành phố nhưng chỉ vận hành một địa điểm. Trong khi đó, phần lớn các đoàn biểu diễn nghệ thuật không có nơi biểu diễn, muốn biểu diễn thì phải đi thuê" - ông Nghĩa nói.

DB-do-chi-nghia.jpeg
ĐB Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên.

Vị ĐB của tỉnh Phú Yên cũng chỉ ra những khó khăn về nhân lực ở một số đoàn biểu diễn của trung ương khi có những đoàn không có biên chế. Điều này dẫn đến tình trạng có những nghệ sỹ đã thành nghề 10 năm nhưng vẫn phải bỏ.

Sau những tâm tư, ông Nghĩa nói muốn có những tác phẩm xứng tầm thì phải có chính sách xứng tầm, mà quan trọng nhất là tạo dư địa sáng tạo cho các nghệ sỹ sáng tạo.

"Chúng ta có Lưu Quang Vũ với 40 vở kịch và những đêm diễn đỏ đèn thì cũng hi vọng tới đây với sự phát triển công nghiệp văn hoá, những chính sách thiết thực chúng ta sẽ có những tác phẩm xứng tầm, mang hơi thở thời đại, nhất là trong thực tiễn cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực như hiện nay..." - ông Nghĩa bày tỏ.

Cùng mỗi quan tâm đến vấn đề phát triển văn hoá, ĐB Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cho rằng phát triển văn hóa hiện nay còn chậm so với tốc độ phát triển kinh tế, chưa tương xứng, chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa Việt Nam.

ĐB này đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu thấu đáo vấn đề này, có chiến lược căn cơ để xây dựng văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay.

Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế. Điều này là sự khẳng định tầm quan trọng đối với lĩnh vực phát triển văn hóa trong xây dựng con người và phát triển kinh tế - xã hội. "Đồng thời đây cũng là yêu cầu đối với cả hệ thống chính trị, nhằm khơi thông sức mạnh của văn hóa để văn hóa phát triển tương xứng, hài hòa với các lĩnh vực trọng yếu khác" - ĐB Phương nhìn nhận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm