Chuyện thiếu thuốc, vật tư y tế từ góc nhìn của Giám đốc Bệnh viện Việt Đức

(PLO)- Với 250-270 ca mổ phiên và 40 ca cấp cứu mỗi ngày, Bệnh viện Việt Đức - tuyến cuối ngoại khoa các tỉnh phía Bắc có góc nhìn riêng về tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế từng nóng bỏng trong và ngay sau đại dịch COVID-19 nay tiếp tục nhiều đại biểu quốc hội nhắc tới tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội.

Để bổ sung những thông tin thực tế, trực tiếp từ người trong trong cuộc, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, TS Dương Đức Hùng đã có trao đổi với PLOcùng một số đồng nghiệp.

Khó khăn chung của mua sắm, đầu tư công

Theo ông Hùng, ngành y tế đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đầu tư công.

Những khó khăn này xuất hiện trong giai đoạn đại dịch COVID-19 và tiếp tục kéo dài. Chính phủ và Bộ Y tế đã rất quyết liệt để tháo gỡ, nhiều văn bản pháp luật liên quan đã được sửa đổi, bổ sung.

Với đặc thù của ngành y tế, các quy định mới nhanh lắm cũng cần 4 tháng, có gói thầu mất đến 8 tháng mới triển khai có kết quả. Những thay đổi, nỗ lực từ đầu năm giờ đã bắt đầu có kết quả, nhiều bệnh viện đã mua được máy móc, vật tư…

thiếu thuốc ở bệnh viện việt đức
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Dương Đức Hùng: "Chúng tôi nỗ lực đảm bảo để không thiếu thuốc, vật tư y tế cho người bệnh". Ảnh: Thanh Tú

Nhưng ngay cả như vậy thì việc mua sắm vật tư y tế cũng chưa thể trở lại bình thường ngay như trước dịch. Bệnh viện Việt Đức là cơ sở ý tế lớn của ngành, là tuyến cuối ngoại khoa phía Bắc, là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, những có những mặt hàng đơn vị cung ứng đã trúng thầu, nhưng rồi chính họ có văn bản xin lùi thời gian giao hàng. Lý do là nguồn cung từ nước ngoài bị gián đoạn và cũng không hẹn ngày giao hàng cụ thể.

“Tuần qua, chúng tôi nhận được văn bản của 3 hãng trúng thầu như vậy nên đang phải cân nhắc hình thức mua sắm khác trong trường hợp đặc biệt, tìm mặt hàng thay thế để đảm bảo công tác khám chữa bệnh”, ông Hùng nói.

Nhưng tìm mặt hàng thay thế không phải lúc nào cũng dễ dàng. Bởi như ông Hùng chia sẻ, có những vật tư, dụng cụ phẫu thuật của chuyên ngành ngoại khoa chỉ có 1-2 nhà cung ứng. Giờ mối này gãy, không có hàng kịp thời thì bệnh viện phải xoay xở, tìm mối khác. Đây là áp lực không nhỏ trong lập kế hoạch mua sắm.

Dù đại dịch COVID-19 đã hạ nhiệt 2 năm, và từ ngày 20-10-2023 COVID-19 đã chuyển bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, nhưng theo đánh giá của Bệnh viện Việt Đức, nhu cầu khám, chữa bệnh vẫn đang trong giai đoạn biến động, chưa trở lại bình thường như trước đại dịch.

Rất nhiều bệnh nhân có vấn đề sức khỏe trong 2 năm dịch,không thể chăm sóc, chữa trị, nay mới có điều kiện thăm khám. Điều này khiến số lượt đến khám, chữa tại Bệnh viện Việt Đức những tháng qua liên tục ở mức cao. Trong khi đó, cung ứng thuốc, vật tư y tế vẫn còn nhiều đứt gãy, gây ra nhiều áp lực cho bệnh viện.

“Chúng tôi cố gắng cân đối nên tương đối đủ thuốc, hóa chất xét nghiệm. Với những thuốc thông thường như paracetamol, không có hàng này thì bệnh viện thay thế thuốc cùng hoạt chất, tương đương sinh học. Nhưng có những thuốc không thể thay thế như thuốc chống thải ghép dùng cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương sau ghép tạng thì phải cân đối rất kỹ. May mắn hiện thuốc này vẫn đảm bảo”, ông Hùng chia sẻ.

thieu-thuoc.jpg
Nhu cầu khám, chữa bệnh 2 năm sau đại dịch COVID-19 vẫn ở mức cao bất thường so với trước đây. Ảnh: BVCC

Càng e dè, sợ sai, càng phải làm đúng

Trong bối cảnh hiện nay, các bệnh viện chỉ mong làm đúng và nhanh nhất có thể việc đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư. Mục đích là đảm bảo nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Tuy nhiên, lãnh đạo các cơ sở y tế đều đi lên từ chuyên môn, việc chỉ đạo mua sắm công còn “nghiệp dư”, không tránh khỏi loay hoay, lúng túng. Chính vì vậy, nơi này nơi kia đang có tâm lý e dè.

“Tuy nhiên không phải vì e dè, vì ngại mà không mua, không làm. Ngược lại, càng phải làm công tác mua sắm chặt chẽ hơn”, ông Hùng nói.

Với tinh thần ấy, tại Bệnh viện Việt Đức, cả Ban Giám đốc, các phòng ban liên quan đều vào cuộc. Việc xây dựng hồ sơ, tiêu chí kỹ thuật, quy trình làm thầu là trí tuệ tập thể.

“Trong quá triển khai, xây dựng hồ sơ, nếu khâu nào còn vướng mắc, băn khoăn, chúng tôi đều phải kết nối để nhờ chuyên gia ở các bộ tư vấn, giải đáp thêm”, ông Hùng cho biết.

Cùng với đó, Ban Giám đốc Bệnh viện Việt Đức giao các nhóm chuyên môn cụ thể như nhóm dược, nhóm vật tư nhiệm vụ đấu thầu, mua sắm cụ thể. Đến ngày báo cáo tiến độ, nhóm nào không đạt được phải giải trình chịu trách nhiệm. Cách làm này đã phát huy trách nhiệm các nhóm chuyên môn.

“Những gì thuộc về quy định của pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thì tuyệt đối tuân thủ. Còn những nội dung thuộc quy định của bệnh viện, tùy trường hợp, tập thể lãnh đạo thống nhất rà soát, thấy thủ tục nội bộ nào rút ngắn được là rút ngắn ngay”, ông Hùng chia sẻ.

thieu-thuoc-benh-vien-viet-duc.jpg
BV Việt Đức ưu tiên đảm bảo không có ca cấp cứu nào phải chờ. Ảnh: Thái Bình

Đề nghị hoàn thiện chính sách riêng cho mua sắm thuốc, vật tư y tế

Với những gì đã trải qua, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Dương Đức Hùng tin rằng việc đầu tư, mua sắm công trong ngành y tế cũng như từng bệnh viện rồi sẽ dần dần đi vào ổn định. Nhưng để mọi việc thuận lợi, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi các quy định hiện hành, phù hợp với đặc thù của hoạt động y tế.

“Chúng ta đang áp dụng các quy định chung về mua sắm công là hàng hóa thông thường cho các vật tư, hóa chất, thuốc y tế thì chắc chắn sẽ còn bất cập. Ví dụ có những máy móc, thiết bị y tế mà cả thế giới chỉ có một hãng cung cấp, cả Việt Nam cũng chỉ có một nhà phân phối, khó để áp dụng theo quy định mua sắm thông thường”, ông Hùng bày tỏ.

Nhưng dù khó như vậy, ông Hùng cho biết Bệnh viện Việt Đức sẽ vẫn nỗ lực để đảm bảo thực hiện an toàn 250-270 ca mổ phiên và 40 ca cấp cứu mỗi ngày với đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao cần thiết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm