184 tỉ nằm ngoài sổ sách khi cổ phần hóa Cienco 1 và năng lực của các cựu cán bộ

(PLO)- Cựu Chủ tịch HĐTV và cựu Tổng giám đốc Cienco 1 đều khai không hiểu lắm về tài chính, kế toán, không biết 'nợ khó đòi' và 'nợ không thu hồi được' là khác nhau…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều ngày 6-6, phiên tòa xét xử vụ án thất thoát hơn 239 tỉ đồng qua cổ phần hóa tại Cienco 1 tiếp tục với phần xét hỏi.

Tại tòa, cựu Tổng giám đốc Cienco 1 Cấn Hồng Lai thừa nhận một số nội dung cáo trạng nêu là đúng, nhưng một số chỗ chưa sát với diễn biến thực tế. Sau đó, bị cáo thừa nhận lỗi của bản thân, thừa nhận một phần trách nhiệm khi để xảy ra sai sót, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: CTV

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: CTV

Theo cáo buộc, ngày 18-6-2013, bị cáo Lai ký tờ trình (không số) gửi HĐTV Cienco 1 có nội dung đề nghị HĐTV chấp thuận các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi là hơn 184 tỉ đồng. Các khoản nợ này sẽ được hạch toán tại tài khoản ngoại bảng.

Bị cáo Lai khai khi bị cáo đi công tác về, Lê Văn Long (kế toán trưởng) đưa tờ trình kèm theo hồ sơ. Bị cáo nhận hồ sơ thì đã đầy đủ hết rồi. Thực tế, bị cáo không có mặt tại cuộc họp HĐTV, việc ký tờ trình xuất phát từ sự thống nhất đã được quyết định.

Khi chủ tọa hỏi “nợ khó đòi” và “nợ không thu hồi được” có khác nhau không, bị cáo Lai nói mình chỉ ký mà đọc không kỹ. Đến giờ thì ông biết “nợ khó đòi” và “nợ không thu hồi được” là khác nhau nhưng bị cáo nghĩ HĐTV sẽ phát hiện ra.

Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, Cienco 1 bị 50 doanh nghiệp nợ tiền với tổng số 306 tỉ đồng. Theo quy định, chỉ những DN đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động mới được xác định là nợ không có khả năng thu hồi và xử lý bằng nguồn dự phòng.

Tuy nhiên, các bị cáo đã đưa hơn 184 tỉ đồng tiền nợ vào diện nợ không có khả năng thu hồi và dùng nguồn dự phòng xử lý. Do đó, số tiền này đã không được tính vào giá trị doanh nghiệp.

Khi bàn giao các khoản nợ phải thu đã xử lý cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) theo quy định, các bị cáo đã không bàn giao khối nợ 184 tỉ đồng.

Sau này, khi đã hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, Cienco 1 thu hồi được 65 tỉ đồng tiền nợ từ hai nhóm: nợ khó đòi đã xử lý như trên và nợ khó đòi chưa được xử lý.

Công ty vẫn đang giữ lại số tiền này để sử dụng và không đề xuất bàn giao số tiền cho Nhà nước.

Quá trình khai báo tại tòa, bị cáo Lai nói bản thân không hiểu lắm về tài chính, kế toán, do đó chỉ ký vào tờ trình để HĐTV xem xét xử lý, còn sau xử lý thì ông không thể nắm rõ được.

Trước lời khai này, HĐXX cho rằng với vai trò là Phó ban thường trực Ban chỉ đạo cổ phần hóa, bị cáo nói không nắm rõ thì rất khó hiểu. Bởi hàng năm đều họp, báo cáo công tác tài chính.

Cựu Chủ tịch HĐTV Cienco 1 cũng trình bày bản thân không nắm được thông tin hoặc được nghe báo cáo về các DN phá sản, giải thể. Tuy nhiên theo bị cáo Dũng, dù những DN này chưa phá sản, giải thể nhưng thực tế không có khả năng trả nợ trong nhiều năm.

Khi bị chủ tọa hỏi về “nợ khó đòi” và “không có khả năng trả nợ” có khác nhau không, bị cáo Dũng nói trong suy nghĩ của ông, hai khái niệm trên là một, ông không phân biệt được.

Khi được chủ tọa giải thích, ông Dũng thừa nhận thiếu sót của mình.

Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, cựu Phó trưởng phòng Tài chính kế toán khai bị cáo không phải người làm tờ trình, ai cũng có thể làm tờ trình vì tờ trình chỉ có vài dòng. Theo lời khai của bị cáo Hạnh, số nợ 184 tỉ đồng không ai tham mưu để tách ra.

“Bị cáo có bị oan không?”, chủ tọa hỏi. Bị cáo Hạnh nói mình không oan và thừa nhận lỗi biết sai nhưng vẫn giúp sức.

Dự kiến, ngày mai (7-6), HĐXX tiếp tục làm việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm