Ngày 14-6, Khoa Luật Dân sự, Trường đại học Luật TP.HCM tổ chức hội thảo nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng.
Theo ban tổ chức, hiện nay nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng trong BLTTDS 2015 mang tính định hướng, chưa được quy định một cách cụ thể, làm cho công tác giải quyết các vụ việc dân sự chưa thống nhất. Trong khi đó, khoản 2 Điều 14 BLDS 2015 quy định tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng...
Vì vậy, hội thảo nhằm chỉ ra những hạn chế, bất cập, cung cấp những tình huống thực. Từ đó, đề xuất những giải pháp hoàn thiện pháp luật về nguyên tắc này.
Hội thảo do TS Nguyễn Xuân Quang (Trưởng khoa Luật Dân sự) và TS Nguyễn Văn Tiến (Phó trưởng khoa Luật Dân sự) chủ trì. Ảnh: YC |
Tại hội thảo, ThS Phạm Thị Thúy (Khoa Luật Dân sự) cho rằng có một số án lệ được ban hành chưa đúng tiêu chí lựa chọn án lệ theo Điều 2 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP (quy định về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ). ThS Thúy dẫn chứng là Án lệ số 12/2017/AL và Án lệ số 42/2021/AL.
Cụ thể, Án lệ số 12 cho rằng tại phiên tòa phúc thẩm được mở lần thứ nhất, HĐXX phúc thẩm hoãn phiên tòa để các đương sự cung cấp thêm chứng cứ. Tại phiên tòa được mở lần thứ hai, bị đơn và người bảo vệ quyền lợi của bị đơn vắng mặt. HĐXX giám đốc thẩm cho rằng vì lần mở phiên tòa thứ nhất, HĐXX phúc thẩm hoãn phiên tòa để thu thập thêm chứng cứ (hoãn không do lỗi của đương sự) nên khi mở phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai mà đương sự vắng mặt thì được coi là lần vắng mặt thứ nhất của đương sự.
Tuy nhiên, theo ThS Thúy, HĐXX phúc thẩm được hoãn phiên tòa khi có một trong các căn cứ tại Điều 296 BLTTDS 2015. Đối với trường hợp cần thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ, tại Điều 304 và Điều 259 BLTTDS 2015 là một trong những căn cứ tạm ngừng phiên tòa. Vì vậy, theo ThS Thúy, trường hợp xét thấy cần thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mới tiếp tục xét xử được thì HĐXX có thể tạm ngừng phiên tòa.
Vấn đề đặt ra là Án lệ số 12 có thể mở rộng áp dụng đối với những căn cứ hoãn phiên tòa khác không phải lỗi của đương sự hay không. Theo ThS Thúy, hướng xử lý của Án lệ số 12 dường như không thực sự đúng với quy định của BLTTDS 2015. Vì tại Điều 296 BLTTDS 2015 quy định “được tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất”, “được tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai” chứ không quy định “đương sự vắng mặt tại phiên tòa lần thứ nhất” hay “đương sự vắng mặt tại phiên tòa lần thứ hai”. Nghĩa là, Điều 296 xác định theo số lần triệu tập đương sự chứ không xác định theo số lần vắng mặt của đương sự.
Vì vậy, hướng xử lý của Án lệ số 12 đã vô hình trung xác định việc hoãn phiên tòa theo số lần vắng mặt của đương sự tại phiên tòa mà không phải theo số lần triệu tập của tòa án. Do đó, ThS Thúy cho rằng án lệ này không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC |
Đối với Án lệ số 42/2021/AL, ThS Thúy cho rằng án lệ này được ban hành khi đã có quy định điều chỉnh. Cụ thể, Án lệ 42 quy định trong trường hợp hợp đồng mẫu do nhà cung cấp dịch vụ đưa ra soạn sẵn quy định thỏa thuận trọng tài nhưng nguyên đơn là người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn trọng tài và yêu cầu tòa án giải quyết thì tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Theo ThS Thúy, Án lệ số 42 là hợp lý, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo ThS Thúy, nội dung này đã được quy định tại Điều 38 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010. Theo đó: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải thông báo về điều khoản trọng tài trước khi giao kết hợp đồng và được người tiêu dùng chấp thuận. Trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng là cá nhân có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác”.
Vì vậy, ThS Thúy cho rằng việc ban hành Án lệ số 42 là “chưa thật sự cần thiết” vì án lệ được ban hành để “làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau” hoặc “những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể”. Trong khi đó, nội dung tại Án lệ số 42 đã được quy định tại Điều 38 nêu trên.
Ngược lại, một đại biểu cho rằng Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 chỉ quy định theo kiểu “phòng” là có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác nhưng không quy định rõ phương thức khác là phương thức gì. Vì vậy, tòa án lúng túng trong việc áp dụng nên mới cần có Án lệ số 42.
TS Nguyễn Xuân Quang (Trưởng khoa Dân sự) thì cho rằng án lệ cần khi chưa có điều luật áp dụng. Còn nếu pháp luật đã có quy định nhưng quy định còn mâu thuẫn, chưa có cách hiểu thống nhất thì nên có văn bản tổng kết, hướng dẫn từ tòa chứ không cần thiết phải ban hành một án lệ.