Sáng 23-3, Trường ĐH Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Những vấn đề đương đại trong trọng tài quốc tế”với hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu khai mạc, PGS-TS Trần Việt Dũng, Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM nhấn mạnh trọng tài thương mại (TTTM) dần trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến tại Việt Nam.
Giải quyết tranh chấp trọng tài thương mại quốc tế (TTTMQT) là một phương thức được ưa chuộng với nhiều ưu điểm so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác.
Tại hội thảo, nhóm tác giả là PGS-TS Đỗ Văn Đại và ThS Trần Hoàng Tú Linh đã trình bày tham luận: “Trọng tài áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp”.
Cụ thể, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã có bước tiến xa so với các BLDS trước đây khi đã ghi nhận thêm vai trò của lẽ công bằng. Học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới trong đó có hai hệ thống lân cận chúng ta là Hồng Kông và Singapore, pháp luật Việt Nam nên bổ sung quy định cho phép trọng tài áp dụng lẽ công bằng khi các bên lựa chọn lẽ công bằng giải quyết tranh chấp.
Theo nhóm tác giả, việc ghi nhận này sẽ đưa nền trọng tài Việt Nam tiệm cận hơn với pháp luật quốc tế, góp phần tăng cường giao lưu thương mại quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
PGS-TS Trần Việt Dũng thẳng thắn: Việt Nam nhìn chung có cách tiếp cận “khá bảo thủ” về mối quan hệ giữa trọng tài và pháp luật quốc gia diễn ra thủ tục trọng tài.
Theo đó, trọng tài phải tuân thủ các quy định về trình tự thủ tục tố tụng trọng tài do Luật Trọng tài thương mại (Luật TTTM) quy định. Tòa án có thể xem xét hủy phán quyết trọng tài nếu thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật TTTM.
Đối với các phán quyết của trọng tài nước ngoài, Việt Nam chỉ cho phép tòa án công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài đã được công nhận và có hiệu lực tại nước nơi diễn ra trọng tài.
Điểm g khoản 1 Điều 459 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) quy định về trường hợp tòa án không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài khi…: “Phán quyết của Trọng tài nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của nước nơi phán quyết đã được tuyên hoặc của nước có pháp luật đã được áp dụng hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành”.
Theo PGS Dũng, điều này có thể tạo ra sự bất lợi cho các thương nhân Việt Nam trong trường hợp phán quyết của trọng tài có lợi cho thương nhân Việt Nam nhưng lại bị tuyên bố vô hiệu bởi tòa án của địa điểm trọng tài một cách bất hợp lý.
Nếu thương nhân nước ngoài lợi dụng những lỗ hổng của pháp luật nước sở tại để làm vô hiệu phán quyết trọng tài, mà thương nhân Việt Nam không thể làm gì được để bảo vệ quyền lợi của mình tại Việt Nam thì tòa án cũng cần bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.
“Nên điều chỉnh quy định tại Điều 459 BLTTDS không khẳng định tòa án không công nhận phán quyết trọng tài đã bị tòa án nước ngoài tuyên bố hủy, mà tạo ra sự linh động cho tòa án bằng cách cho phép tòa án cân nhắc công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài nếu thấy việc công nhận phán quyết trọng tài không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”, PGS-TS Việt Dũng đề xuất.
Ban tổ chức cho biết hội thảo đã nhận được rất nhiều tham luận chất lượng từ các chuyên gia, học giả và các bạn sinh viên luật.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
PGS-TS Trần Việt Dũng, Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM phát biểu khai mạc hội thảo
Viện sĩ, PGS-TS Đỗ Văn Đại (bên phải, phía trên) trình bày tham luận bằng hình thức trực tuyến
TS Lê Nguyễn Gia Thiện, Phó trưởng Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM trình bày tham luận: "Quyền được xét xử trực tiếp trong tố tụng trọng tài"
ThS Phan Trọng Đạt, Quyền giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VIAC) trình bày tham luận: "Phương thức giải quyết tranh chấp liên thông trọng tài - hòa giải"
Điểm cầu tại Trường ĐH Luật TP.HCM