Vì sao phải áp dụng 'lẽ công bằng' trong xét xử tại Việt Nam?

(PLO)- Đối mặt với thực tiễn kinh tế xã hội thay đổi liên tục, các nhà làm luật Việt Nam đã nhận ra pháp luật thành văn không phải lúc nào cũng đáp ứng được nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội mà cần phải áp dụng 'lẽ công bằng'.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-10, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức hội thảo khoa học “Áp dụng lẽ công bằng trong hoạt động xét xử tại Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia”.

Phát biểu khai mạc, PGS-TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh, đã từ lâu, hệ thống pháp luật Việt Nam mang đầy đủ những đặc điểm của truyền thống pháp luật dân sự và bản án, quyết định của các cơ quan xét xử chủ yếu dựa trên luật thành văn.

PGS-TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật. Ảnh: MC
PGS-TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật. Ảnh: MC

Tuy nhiên, đối mặt với thực tiễn kinh tế xã hội thay đổi liên tục, các nhà làm luật Việt Nam đã nhận ra pháp luật thành văn không phải lúc nào cũng đáp ứng được nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội luôn biến động, đa dạng và phức tạp.

Chính vì vậy, khoản 2 Điều 6 Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015 (BLDS) đã có một quy định mới nhằm khắc phục những bất cập này: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”.

“Nguyên tắc này cũng được đề cập theo hướng cụ thể hơn tại khoản 3 Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) để hướng dẫn Tòa án xét xử trong trường hợp vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng. Có thể thấy, đây là một bước đột phá mạnh mẽ trong hoạt động cải cách tư pháp của nước ta, nhằm mang đến một xã hội công bằng và văn minh”, PGS Vũ Nam nói.

Tuy nhiên, nếu ở các quốc gia theo hệ thống Thông luật, việc áp dụng nguyên tắc “lẽ công bằng” đã có lịch sử rất lâu đời, thì tại Việt Nam, nguyên tắc này còn khá mới mẻ.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện trình bày tham luận tại hội thảo sáng nay. Ảnh: MC

PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện trình bày tham luận tại hội thảo sáng nay. Ảnh: MC

Trong buổi sáng, hội thảo sẽ được nghe và thảo luận với bốn tham luận: Hệ thống common law và equity law: Các vận dụng có thể có cho việc áp dụng lẽ công bằng trong xét xử tại Tòa án Việt Nam; Việc áp dụng Equity trong thực tiễn xét xử tại Pháp; Thực tiễn áp dụng lẽ công bằng trong xét xử tại Tòa án Việt Nam; Thực tiễn áp dụng lẽ công bằng trong xét xử tại Tòa án Việt Nam (dưới góc nhìn của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự).

Buổi chiều, có ba tham luận sẽ được trình bày và đưa ra thảo luận: Lẽ công bằng được vận dụng trong xét xử ở Tòa án một số quốc gia và thực tiễn tại Việt Nam; Việc áp dụng Equity trong thực tiễn xét xử tại Nhật Bản; Áp dụng lẽ công bằng trong xét xử án dân sự tại Việt Nam.

Ban tổ chức hy vọng hội thảo này sẽ là nơi mà các nhà nghiên cứu và những người thực hành pháp luật trao đổi, thảo luận nhằm chia sẻ những quan điểm, cũng như học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác nhau về việc áp dụng “lẽ công bằng”. Từ đó, nâng cao việc áp dụng nguyên tắc này trong hoạt động xét xử tại Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm