Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Theo đó, Chính phủ xác định chủ đề điều hành trong năm 2023 là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”.
Một trong những quan điểm, trọng tâm điều hành của Chính phủ trong năm 2023 là nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động đối với mọi tình huống, nhạy bén nắm bắt những diễn biến mới của tình hình, kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề, xây dựng các kịch bản, phương án linh hoạt, thích ứng với các vấn đề mới phát sinh.
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác; điều hành kịp thời các công cụ chính sách vĩ mô, tài khóa, tiền tệ để cân bằng hợp lý, hiệu quả giữa tỉ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Năm 2023, Chính phủ quyết tâm cơ cấu lại thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản, không để mất an toàn hệ thống... Ảnh: PLO |
Nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ ưu tiên hàng đầu là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong đó, về các chính sách tiền tệ, cần theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, trong nước, kịp thời dự báo, cảnh báo rủi ro để có đối sách phù hợp. Đồng thời, thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
"Ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, nâng cao năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống" - Nghị quyết nêu rõ.
Về thị trường vốn, Chính phủ quyết tâm cơ cấu lại thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; không để mất an toàn hệ thống; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân...
"Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tăng cường giám sát, kiểm tra, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, định chế tài chính, các thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản, bảo đảm phát triển công khai, minh bạch, an toàn, ổn định, lành mạnh, bền vững" - Nghị quyết nhấn mạnh.
Về vấn đề tín dụng, Chính phủ yêu cầu cần điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Chính phủ cũng sẽ tập trung chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường minh bạch trong hoạt động, khắc phục tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, rà soát, xử lý và ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, cho vay không đúng quy định.
Cùng đó là tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài đã được Bộ Chính trị cho chủ trương (sáu tổ chức tín dụng yếu kém, tám dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam...); tiếp tục xây dựng, hoàn thiện phương án xử lý đối với bốn dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại để trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến.
Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu cần công khai, minh bạch trong điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ; tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành chặt chẽ việc điều chỉnh giá các hàng hóa quan trọng, dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước định giá, nhất là giá điện, xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác…
Tại báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022, triển vọng 2023”, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023.
Kịch bản 1: Tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng 6,47%; lạm phát bình quân 4,08%; tăng trưởng xuất khẩu 7,21% và cán cân thương mại là 5,64 tỉ USD.
Kịch bản 2: Tích cực hơn khi tăng năng suất lao động, tăng trưởng GDP đạt 6,83%; lạm phát 3,69%; tăng trưởng xuất khẩu 8,43% và cán cân thương mại 8,15 tỉ USD.
Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2022, triển vọng năm 2023: Đổi mới nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng, tổ chức ngày 12-1.