10 vụ án trọng điểm được Trung ương yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố

(PLO)- Năm 2023, Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 10 vụ án trọng điểm theo kế hoạch.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 23 để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2022, xác định chương trình công tác năm 2023.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TTXVN

Cho thôi Ủy viên Trung ương với năm cán bộ

Theo báo cáo, trong năm 2022, đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước).

Cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với năm cán bộ; cho thôi giữ chức vụ đối với hai Phó Thủ tướng, ba Thứ trưởng và tương đương, một Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam (TKV).

Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm ba Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh theo chủ trương sắp xếp, bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật, uy tín giảm sút.

Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 82.560 tỈ đồng và 883 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 3.530 tập thể và 8.619 cá nhân.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đã chuyển 557 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật (tăng gấp hơn hai lần so với năm 2021).

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan chống tham nhũng được chú trọng, tăng cường; trong năm đã xử lý kỷ luật trên 200 cán bộ, công chức của các cơ quan này có sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó chuyển xử lý hình sự 74 trường hợp.

Trong năm 2022, trên cả nước đã khởi tố mới 493 vụ/1.123 bị can về tội tham nhũng (tăng 163 vụ/328 bị can so với năm 2021).

Ban Chỉ đạo đã thành lập tám Đoàn kiểm tra về công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố về các vụ việc tham nhũng, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này.

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản trị giá trên 364.000 tỉ đồng (tăng hơn 10 lần so với năm 2021); cơ quan thi hành án dân sự thu hồi được 27.400 tỉ đồng (tăng gấp 3 lần so với năm 2021).

Các tỉnh ủy, thành ủy đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Nhiều Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở có chuyển biến rõ rệt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các thành viên Ban Chỉ đạo dự phiên họp. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các thành viên Ban Chỉ đạo dự phiên họp. Ảnh: TTXVN

Đẩy nhanh tiến độ xét xử 10 vụ án trọng điểm

Về nhiệm vụ năm 2023, Ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 12 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 12 vụ việc; truy tố 17 vụ án; xét xử sơ thẩm 21 vụ án, xét xử phúc thẩm ba vụ án.

Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 10 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Cụ thể, (1) Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; (2) Vụ án xảy ra tại Học viện Quân y Bộ Quốc phòng (liên quan đến hợp tác nghiên cứu, sản xuất kit test COVID-19 với Công ty Việt Á); (3) Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan.

(4) Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS, Công ty Cổ phần Xây dựng Faros và các công ty có liên quan; (5) Vụ án xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; (6) Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.

(7) Vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan; (8) Vụ án xảy ra tại Dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; (9) Vụ án xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (giai đoạn II); (10) Vụ án xảy ra tại khóm 5, phường Châu Phú An, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Cũng tại phiên họp này, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo; Báo cáo kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.

Thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với chín vụ án, hai vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật; bổ sung vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm Đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

8 cơ quan báo chí được Trung ương khen thưởng thành tích phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Trong chiều cùng ngày, tại buổi thông báo kết quả phiên họp 23 của Ban Nội chính Trung ương, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, đã trao thưởng về thành tích báo chí với tám cơ quan báo chí.

Cụ thể, Ban Biên tập tin trong nước - Thông tấn xã Việt Nam; Ban Xây dựng Đảng báo Nhân Dân; Phòng Chính trị - Ban Thời sự Đài truyền hình Việt Nam; Phòng Phóng viên - Ban Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam; Tạp chí Nội chính; Báo Thanh Niên; Báo Tuổi Trẻ TP.HCM; Báo Pháp Luật TP.HCM.

Báo Pháp Luật TP.HCM - cơ quan chủ quản là UBND TP.HCM, đã dành nhiều quan tâm cho công tác PCTNTC. Ngoài điều tra, phản ánh, đấu tranh với các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; theo đuổi, đăng tải quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các vụ án được dư luận quan tâm, điểm đáng chú ý là tờ báo dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế PCTNTC.

Báo có những bài viết sâu về phương thức lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTNTC, về quá trình hoàn thiện mô hình, cơ chế hoạt động, chức năng nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và Ban Nội chính Trung ương…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm