TP.HCM thu hồi hơn 14,7 ngàn tỉ trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế

(PLO)-  Thi hành án dân sự thu hồi 16.000 tỉ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tăng hơn 290% về tiền so với năm 2021; trong đó TP.HCM thu hơn 14,7 ngàn tỉ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 19-12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023. Tại hội nghị, quyền Cục trưởng Cục THADS TP.HCM Nguyễn Văn Hoà đã có tham luận đáng chú ý về vấn đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Quyền Cục trưởng Cục THADS TP.HCM Nguyễn Văn Hoà. Ảnh: PLO

Quyền Cục trưởng Cục THADS TP.HCM Nguyễn Văn Hoà. Ảnh: PLO

Ông Nguyễn Văn Hoà cho hay đặc thù của TP.HCM là nơi khối lượng việc án tham nhũng, kinh tế chiếm tỷ lệ thấp, chỉ chiếm khoảng 5-7% của cả nước, tuy nhiên lượng tiền lại chiếm tỷ trọng rất cao, tuỳ từng năm nhưng rơi vào 80-88% cả nước.

“Việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế chủ yếu là ở TP.HCM”- ông Hòa nói.

Ông Nguyễn Văn Hoà dẫn số liệu thi hành án (THA) ba năm qua của TP cho thấy năm 2020, Cục THADS TP.HCM thu hồi được 13,2 nghìn tỉ. Năm 2021, dù có 7 tháng dịch bệnh nhưng thu trên 3.000 tỉ. Và năm 2022 thu hơn 14,7 nghìn tỉ, chiếm gần như tuyệt đối trong hệ thống THA.

Ông Hoà cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, đặc biệt, Tổng cục THADS thường xuyên họp trực tuyến hàng tháng, thậm chí hàng tuần; khảo sát trực tiếp để tháo gỡ khó khăn giúp Cục THADS TP.HCM.

Nêu kinh nghiệm, Quyền Cục trưởng Cục THADS TP.HCM nhắc tới biện pháp “tăng cường phối hợp”. “THA không có phối hợp thì không thể xử lý được các vấn đề, vì tính chất vụ việc đặc biệt phức tạp. Đối tượng phạm tội phải THA trình độ dân trí cao, nguồn gốc tài sản, nguồn tiền không rõ ràng. Việc mua các dự án, bất động sản, mua các cổ phần, cổ phiếu phần lớn đều nhờ người thân đứng tên. Giai đoạn điều tra thì khai ngay để kê biên, phong toả nhưng đến lúc THA lại phủ nhận tài sản không phải của mình”- ông Hoà nói thêm.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Hoà cho hay Cục THADS TP.HCM đã rút kinh nghiệm, đưa ra cách làm hay là cử cán bộ THA trực tiếp theo dõi các phiên toà đại án để nắm rõ dòng tiền, giấy tờ.

“Trước đây hay bị vướng về giấy tờ, THA thường phải đề nghị toà giải thích dẫn đến sai lệch về số liệu. Nay cán bộ THA trực tiếp cùng đối chiếu số liệu tại toà nên ra bản án tương đối khớp”- ông Hoà nói thêm.

Ngoài ra, theo ông Hoà, các giải pháp khác là thành lập các tổ đại án, báo cáo Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ đạo TP theo dõi, chỉ đạo.

“Qua các phương tiện thông tin truyền thông và tìm hiểu riêng của chúng tôi về các vụ đại án như vụ Alibaba, Vạn Thịnh Phát... thì số lượng tài sản đặc biệt lớn, lên tới hàng trăm bất động sản. Nếu không có sự quan tâm, chỉ đạo thì chắc chắn sẽ có khó khăn”- ông Hoà nhấn mạnh.

Quyền Cục trưởng Cục THADS TP.HCM sau đó nêu một số kiến nghị, trong đó có đề nghị “hoàn thiện thể chế”.

Theo ông Hoà, Luật THADS chỉ có một điều quy định về việc xử lý tài sản đặc thù. Trong khi hiện nay phát sinh vấn đề vốn góp là tài sản hình thành trong tương lai. Ông Hoà dẫn chứng vụ Ngọc Huệ rất phức tạp, nhiều giai đoạn, nhiều dự án rất phức tạp.

“Vấn đề tài sản hình thành trong tương lai là vốn góp chưa có quy định nên xử lý hết sức khó khăn”- vẫn lời ông Hoà.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Hoà cũng phản ánh vấn đề “lượng việc tăng liên tục nhưng biên chế hạn chế”. “Hiện nay chúng tôi đang đầu tư những gì tốt nhất về cơ sở vật chất và con người cho án này (án tham nhũng, kinh tế- PV). Nếu được không bổ sung nguồn lực để cân bằng thì các hoạt động khác sẽ rất khó khăn”- ông Hoà nói và mong muốn các cấp có thẩm quyền quan tâm hơn đến việc bổ sung nguồn lực về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cũng như về con người cho các cơ quan THADS.

Quyền Cục trưởng Cục THADS TP.HCM cũng cho hay hiện các đối tượng mở các tài khoản ở nước ngoài, mua bất động sản ở nước ngoài nhiều nhưng chưa có cơ chế hợp tác quốc tế sâu rộng để giải quyết thu hồi tài sản trong trường hợp này.

“Hiện chưa xây dựng được luật riêng về việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thì cần có quy chế, thủ tục rút gọn trong THA để tránh việc này bị kéo dài...”- ông Hoà nói tiếp.

Cuối cùng, ông Nguyễn Văn Hoà kiến nghị lãnh đạo Tổng cục thành lập các tổ công tác, cử chấp hành viên có năng lực tốt ở các địa phương tham gia chỉ đạo, tháo gỡ cho các địa bàn khó khăn như TP.HCM...

Báo cáo của Tổng cục THADS cho hay năm 2022, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tiếp tục được tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực và được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, ghi nhận.

Cụ thể, đã thu hồi được gần 16.000 tỉ đồng, tăng hơn 11.000 tỉ đồng, tương đương tăng hơn 290% về tiền so với năm 2021.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm